Phật dạy: Nếu không muốn khổ một đời, xin đừng giữ lại ác niệm này ở trong tâm

Tham lam là gốc rễ của vạn nỗi ưu phiền, khiến lòng người không thể thanh thản, thậm chí rơi xuống vực thẳm tối tăm không lối thoát.

Con người khổ sở, cũng là do toan tính quá nhiều

Không phải thứ chúng ta sở hữu được quá ít, mà là do ta tính toán và tham chấp quá nhiều. Nhìn người khác hạnh phúc sẽ bứt rứt không thôi. Nhìn nhân sinh viên mãn, đủ đầy, sẽ cố gắng bới lông tìm vết, tìm cho bằng được bất hạnh họ có, mới có thể thỏa mãn, buông một tiếng thở phào. Sống như vậy, thật sự khổ sở quá thay.

Thứ chúng ta nhìn thấy chỉ là vẻ bề ngoài. Thế nhưng, ta lại để tầm nhìn hạn hẹp ấy chi phối toàn bộ tâm can. Để rồi truy cầu quá nhiều, tham chấp quá lớn, tính toán quá sâu. Thậm chí bất chấp tất cả, không từ thủ đoạn để đạt được mục đích. Thế nhưng, danh vọng, tiền tài có được từ những hành động nhơ bẩn chỉ như ngọn đèn trước gió, sớm muộn cũng lụi tàn.

Khổ sở và đắng cay là dư vị làm nên vẻ đẹp của đời người

Thế gian này, thứ duy nhất không thể tồn tại chính là sự hoàn mỹ. Làm người, ai chẳng từng nếm trải đắng cay, đau đớn, khổ sở. Thế nhưng, giữ tâm nhuốm chàm, để sự đố kỵ, ti tiện chi phối, chẳng khác này tự đẩy bản thân mình xuống vực thẳm tối tăm.

Sự thống khổ không phải do người khác mang đến. Sự nghèo hèn không phải do số trời sắp đặt. Vạn sự tại nhân, xuất phát từ quá trình tu dưỡng của mỗi người. Đừng đặt trên vai quá nhiều đố kỵ, hãy học cách buông xả, nhuộm sáng trái tim bằng sự lương thiện.

Có thành công nào mà không được đánh đổi bằng máu và nước mắt? Đừng nghĩ, người khác đứng trên núi cao là dễ dàng, để rồi tìm cách triệt hạ họ bằng tiểu xảo. Hãy tự mình bước đi, để được sóng bước bên họ, thậm chí là đứng cao hơn họ.

Theo Xuân Quỳnh/Khoevadep

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/phat-day-neu-khong-muon-kho-mot-doi-xin-dung-giu-lai-ac-niem-nay-o-trong-tam-1375639.html