Phật độ từ Tâm

Chư Phật khắp mười phương, mỗi vị ngự ở một quốc độ khác nhau để dẫn dắt và giáo hóa chúng sinh. Mỗi Phật độ đều được trang nghiêm bằng các công đức và hạnh nguyện viên mãn của chư Phật.

Phật độ từ tâm – Chư Phật khắp mười phương, mỗi vị ngự ở một quốc độ khác nhau để dẫn dắt và giáo hóa chúng sinh. Mỗi Phật độ đều được trang nghiêm bằng các công đức và hạnh nguyện viên mãn của chư Phật.

Tác giả: Quảng Viên

Ví như cõi Cực Lạc phương Tây của đức Phật A Di Đà được kiến lập nhờ vào 48 Đại nguyện rộng độ khắp mười phương chúng sinh trải khắp muôn ức kiếp. [1]

Lại như cõi Tịnh Lưu Ly phương Đông của đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang được khởi tạo dựa vào 12 đại nguyện khiến cho hữu tình cầu chi được nấy. [2]

Trong nhiều pháp hội, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu và nhắc đến những quốc độ của chư Phật khác nhau, với những hạnh nguyện mà các ngài đã làm trong vô lượng quá khứ.

Có thể thấy, trên con đường tu tập, chứng đắc và hóa độ chúng sinh, các ngài không rời thệ nguyện của mình. Lời phát nguyện như một hạt giống bồ đề gieo vào hư không, vĩnh viễn bất hư bất hoại, như một mũi hoa tiêu chỉ lối cho hành giả, một lực đẩy người tiến về phía con đường ánh sáng.

Thân người ngắn ngủi chưa tới trăm năm một kiếp, chúng ta phước mỏng trí kém, không biết được khi tái sinh sẽ trôi dạt vào cảnh giới nào, bị nghiệp lực lôi kéo vào duyên trần, quên mất thệ nguyện và nhiệt tâm sơ khởi. Chính lúc này nguyện lực từ quá khứ tác động và kích thích những chủng tử đã gieo trong tâm thức chúng ta phát khởi.

Tựa như bốn tiền thân của Bồ Tát Địa Tạng với bốn lời nguyện, khác thời nhưng đồng nghĩa “Nguyện độ thoát tất cả chúng sinh thời mới viên thành đạo quả” [3]. Do đó mà ta biết từ vô lượng kiếp lâu xa cho đến vô biên kiếp vị lai, Ngài đã và vẫn sẽ tiếp tục hạnh nguyện độ thoát chúng sinh.

Một ví dụ khác là câu chuyện tiền thân của thánh đệ tử A Nan. Vào thời Đức Bảo Liên Hoa Như Lai, cách đây 100 ngàn đại kiếp, thái tử Sumanakumara (tiền thân của ngài A Nan) sau khi quan sát vị thị giả tận tụy hầu cận Đức Phật Bảo Liên Hoa đã sinh lòng ngưỡng mộ dày sâu và xin nguyện thành thị giả của vị Phật tương lai. Phật Bảo Liên Hoa đã thọ ký cho ngài sau này thành thị giả của một vị Phật tương lai là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. [4]

Liên hệ thực tế trong đời sống, ta thấy nhiều người có tâm làm từ thiện, họ thích giúp đỡ người khó khăn, là do họ phát tâm nguyện từ nhiều đời, bây giờ trở lại đời này họ được nguyện lực thúc đẩy, nên có duyên này hoặc duyên khác tạo thời cơ cho họ tiếp tục thực hiện cái tâm nguyện ban đầu.

Trong các thời khóa tụng kinh đều có phần phục nguyện, thường do chủ lễ độc xướng. Bên cạnh đó, thiết nghĩ mỗi hành giả có thể tự mình phát khởi các hạnh nguyện phù hợp với lí tưởng tu tập cá nhân để xây dựng cho Phật độ trong tâm mình được vững chắc.

Tựa như cõi tịnh độ của Phật Di Đà, có thềm đường bằng bảy báu (vàng, bạc, pha phê ,lưu ly, xà cừ, xích châu, mã não); nền móng trong quốc độ nội tâm mình lấy giới làm nền, giữ giới cho nghiêm mật, thân tự an lạc, tâm tự thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì thềm đường nơi Phật độ nội tâm tự nhiên sạch sẽ gọn gàng, không có những gồ ghề hố sâu. Tâm thanh tịnh thì chiêu cảm ánh sáng trong phật độ tự tâm cũng chan hòa dịu mát, không có nóng gắt của sân giận, cũng không có âm u mờ mịt của si mê.

Nhờ những lời nguyện rộng lớn và công đức trang nghiêm mà các cõi Phật đều là tịnh độ thù thắng vi diệu. Ví như Phật A Di Đà có 48 hạnh nguyện mà nguyện đầu tiên là trong cõi Phật của ngài không có 3 đường dữ Địa ngục – Ngạ quỷ – Súc sinh. (“Nguуện thứ 1:Lúᴄ tôi thành Phật, nếu trong ᴄõi nướᴄ tôi, ᴄó địa ngụᴄ, ngạ quỷ, ѕúᴄ ѕanh, thời tôi không ở ngôi Chính giáᴄ.”). [5]

Tương tự, Phật Hương Tích ở cõi Phật Chúng Hương, thành tựu đại hạnh nguyện dùng mùi hương để kiến tạo quốc độ. Những sự vật trong cõi ấy đều dùng hương làm thành. Hương cõi ấy siêu việt bật nhất, lan khắp mười phương thế giới. Hạnh nguyện của Phật Hương Tích đạt được thành tựu trang nghiêm chừng ấy. [6]

Ở cõi Diệu Hỷ về phương Đông, có Đức A Súc Bệ Phật (Bất Phẫn Nộ/ Bất Động Như Lai) viên mãn các đại hạnh nguyện không khởi tâm sân giận với tất cả chúng sinh kể cả loài côn trùng. Do đó, Phật độ của Ngài “trang nghiêm tốt đẹp, chúng Bồ Tát hạnh thanh tịnh, hàng đệ tử toàn trong sạch”. [7]

Cõi Tịnh Lưu Ly thành tựu trang nghiêm tịnh độ do 12 đại nguyện chuyên vì chữa các chứng bệnh khổ não của chúng sinh. “Cõi Phật ấy một bề thanh tịnh không có đàn bà, không có đường dữ và cả tiếng khổ cũng không. Đất cõi ấy chất toàn bằng lưu ly, đường đi có dây bằng vàng giăng làm ranh giới, còᥒ thàᥒh quách cuᥒg điệᥒ, mái hiêᥒ cửa sổ cho đếᥒ các lớp bao phủ cũᥒg tòaᥒ bằᥒg đồ thất bảo làm ra.” [8].

Thế giới chư Phật đều vô thượng thù thắng, nhờ nhơn địa các Ngài khi còn tu tập hạnh Bồ Tát đã phát những đại nguyện chưa từng có. Học Phật, là đệ tử Phật, ta noi gương các Ngài, tập suy gẫm và quán xét để phát thệ nguyện, làm tiền đề để nhiếp tâm hồi hướng. Thệ nguyện càng rõ ràng thì nguyện lực lưu suất càng vững chắc.

Vượt lên những uế nhiễm của vọng tưởng, nguyện lực này sẽ cảm ứng với lực gia bị của Phật. Dựa theo từng hạnh nguyện mình phát khởi đồng nguyện với vị Phật nào, vị Phật đó sẽ gia trì cho mình. Mà không chỉ riêng một vị Phật, tất cả hàng Bồ Tát và thánh chúng cõi Phật đó cũng như mười phương Phật đều sẽ phóng quang hộ trì cho ta.

Khi tâm ta đồng tâm chư Phật, nguyện ta đồng nguyện chư Phật, chính nơi đó Phật độ trong tâm ta thể nhập với Phật độ của mười phương chư Phật trong tam thiên đại thiên thế giới. Nương vào hạnh nguyện của Phật để thành tựu hạnh nguyện của ta. Phật là bậc đã thành tựu các nguyện, mà ta là con Phật, tập hành cho tròn đầy các nguyện. Phật là người cầm đuốc soi đường, ta nương theo ánh sáng của Ngài để thắp sáng ngọn đuốc của ta.

Thực tập được như vậy thì mỗi người chúng ta trong tâm đều là tịnh độ, đều là quốc độ thanh tịnh. Càng trang nghiêm quốc độ nội tâm, Phật tính trong ta càng rõ nét, cho đến ngày hiện khởi. Lúc đó dẫu thân còn ở cõi Ta Bà nhưng tâm ta đã nương vào Phật độ tự tâm của chính mình.

Tác giả: Quảng Viên

***

Chú giải:

[1]: Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm 6 Phát Đại Thệ Nguyện.

[2]: Kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức.

[3]: Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện.

[4]: Đại đệ tử Phật – Chương IV: Ananda;
https://theravada.vn/dai-de-tu-phat-chuong-iv-a-nan-da-v/

[5]: Kinh A Di Đà.

[6]: Kinh Duy Ma Cật, phẩm 10 Phật Hương Tích.

[7]: Kinh A Di Đà, Kinh Phật Thuyết Kinh A Súc Phật Quốc

[8]: Kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-do-tu-tam.html