Phát động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức bệnh ung thư vú
Chiều 19/10, tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) tổ chức phát động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú năm 2023. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Tháng phòng chống ung thư vú thế giới và kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2023).
Lễ phát động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú năm 2023 mang tên “Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu” có thông điệp "bưởi hay chanh, khỏe tươi xanh mới đẹp" với mong muốn phụ nữ hãy lắng nghe và yêu thương bản thân, đặc biệt cần chủ động thực hiện thói quen tầm soát ung thư vú.
PGS, TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng nhấn mạnh: "Việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú đối với phụ nữ là vô cùng quan trọng. Thông qua chiến dịch này, chúng tôi mong muốn phụ nữ Việt Nam sẽ được trang bị các kiến thức cũng như nâng cao nhận thức về căn bệnh tử vong hàng đầu này".
PGS, TS Nguyễn Thị Xuyên mong muốn phụ nữ hãy biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân, nhất là chủ động thực hiện định kỳ thói quen tầm soát ung thư vú. Thực hiện 5 bước cần thiết để phát hiện sớm ung thư vú, để điều trị đạt hiệu quả cao: Biết nguy cơ của mình mắc ung thư vú; Biết cách mình có thể làm giảm nguy cơ; Biết cách tự khám vú đúng cách; Biết biết khi nào cần đi khám, phát hiện sớm: là khi có các dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ; Biết nơi khám ung thư vú.
Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong đó, ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ.
Theo ước tính mỗi năm cả nước có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25,8% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới. Ung thư vú đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Theo ước tính mỗi năm cả nước có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25,8% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới. Ung thư vú đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Mặt khác, do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để được phát hiện sớm bệnh ung thư vú. Còn rất nhiều phụ nữ tới bệnh viện thăm khám đã ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém.
Vì vậy việc tầm soát phát hiện sớm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, cùng với đó chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Điều trị bệnh ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn về nhà phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch và thực tế đã cải thiện đáng kể chất lượng điều trị ung thư vú.
Theo số liệu của bệnh viện K, những năm gần đây tỷ lệ khám phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm (Giai đoạn 0, 1, 2) đã đạt hơn 70% và tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú cũng đã đạt 70% ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Chính vì vậy, người đứng đầu Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng hãy cùng chung tay đẩy lùi bệnh ung thư vú; các doanh nghiệp, tổ chức cần đưa chương trình sàng lọc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng đối với phụ nữ bước sang tuổi 40 vào chương trình khám sức khỏe định kỳ để hướng tới một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh.
Triển khai chiến dịch truyền thông năm nay, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng triển khai hàng loạt các hoạt động dành cho người bệnh ung thư vú trên cả nước. Chuỗi chương trình “Diễn đàn bệnh nhân ung thư vú” được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm tư vấn, cập nhật những thông tin chính thống về chẩn đoán và điều trị, giải đáp các thắc mắc của người bệnh trong và sau điều trị, đồng thời đây cũng là dịp để người bệnh và các nhân viên y tế cùng gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cho nhau sự mạnh mẽ, lạc quan trong chặng đường điều trị.
Hoạt động “Tóc cho người bệnh ung thư” mang thông điệp “Bao nhiêu sợi tóc, bấy nhiêu sợi tình” cũng tiếp tục được duy trì tại các bệnh viện, trung tâm ung bướu trên toàn quốc...
Sau 10 năm triển khai, chiến dịch đã khám tầm soát miễn phí cho hơn 72.000 phụ nữ trên toàn quốc; hàng nghìn phụ nữ đã được hướng dẫn cách chăm sóc ngực, cách phát hiện bệnh sớm, cách phòng bệnh hiệu quả và giải đáp những thông tin liên quan đến căn bệnh ung thư vú thông qua chuỗi chương trình “Bác sĩ tư vấn (Dr Talk)”.
Ngoài ra, các hoạt động như thắp sáng tòa nhà màu hồng, diễu hành xe buýt 2 tầng nhằm nâng cao nhận thức phát hiện sớm bệnh ung thư vú cũng đã được đông đảo người dân quan tâm và hưởng ứng tích cực…