Phát động chương trình kích cầu du lịch vùng Tây Bắc
Ngày 12-6, tại Hà Nội, Hiệp hội du lịch Việt Nam và các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ đã phối hợp phát động chương trình kích cầu du lịch vùng Tây Bắc.
Chương trình kích cầu du lịch vùng Tây Bắc hướng tới mục tiêu khôi phục nhanh hoạt động du lịch nội địa trên toàn quốc, chuẩn bị sẵn sàng khôi phục hoạt động du lịch quốc tế khi Chính phủ cho phép, thúc đẩy việc khai thác tiềm năng to lớn về du lịch của Tây Bắc, góp phần từng bước cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc tại đây. Trong thời điểm toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19, chương trình kích cầu sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế các tỉnh Tây Bắc, lấy du lịch làm sinh kế mới cho người dân tại các tỉnh Tây Bắc.
Phát biểu tại chương trình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, cho biết: Chương trình kích cầu du lịch nội địa tạo sự hồi phục các dịch vụ du lịch sau thời gian “nghỉ đông”, tạo sinh kế cho người dân bản địa. Chương trình kích cầu và khảo sát tuyến điểm vùng Tây Bắc sẽ tạo dựng sản phẩm mang nét đặc trưng riêng để thu hút khách. "Tổng cục Du lịch cam kết sẵn sàng đồng hành với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các hiệp hội du lịch vùng Tây Bắc mở rộng, các doanh nghiệp du lịch để triển khai kịp thời Chương trình này", Phó tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã triển khai chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 1 từ ngày 21-2 đến 7-3. Với tinh thần chủ động, khi công cuộc chống dịch đã chuyển sang giai đoạn mới và triển khai chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; Hiệp hội du lịch Việt Nam phối hợp với hàng không triển khai giai đoạn 2 chương trình kích cầu du lịch trên phạm vi toàn quốc theo từng vùng, bắt đầu từ ngày 16-5. Để kích cầu du lịch nội địa tại các tỉnh Tây Bắc, Hiệp hội du lịch Việt Nam phát động chương trình và tổ chức đoàn khảo sát với 150 doanh nghiệp du lịch tại các tỉnh Tây Bắc từ ngày 12 đến 16-6, nhằm tạo dựng sản phẩm mới, khai thác tiềm năng du lịch, góp phần từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc tại đây.
Chương trình kêu gọi sự tham gia của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp du lịch cùng đồng hành để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo. Chương trình cũng vận động các doanh nghiệp du lịch, các hộ kinh doanh dịch vụ tiếp tục thực hiện việc giảm giá nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng dịch vụ để tạo điều kiện thu hút khách du lịch tới các vùng Tây Bắc.