Phát động giải báo chí về phòng, chống tác hại của rượu bia

Chiều 12-9, Liên minh Phòng, chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCD-VN) đã phát động giải thưởng báo chí và sáng tạo hình ảnh Vành khuyên xanh về phòng, chống bệnh không lây nhiễm năm 2019 với chủ đề: Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Theo đó, những bài viết xoay quanh chủ đề tác hại của rượu bia liên quan đến sức khỏe, bạo lực giới, tai nạn giao thông, nghèo khổ và tệ nạn xã hội tại Việt Nam…; đề xuất các giải pháp cho vấn đề sử dụng rượu, bia ngày càng tăng tại Việt Nam được đăng tải trên báo chí và kênh truyền thông xã hội trong thời gian từ ngày 1-9-2019 đến ngày 15-12-2019.

Các tác phẩm thuộc thể loại báo in và báo điện tử; bài viết trên website và blog, bài đăng trên facebook, bài thảo luận trên diễn đàn, chuỗi bài, chuỗi thảo luận trên các kênh truyền thông xã hội. Các sản phẩm truyền thông xã hội cần có độ lan tỏa nhất định về lượng view (200 trở lên với website, blog) và 100 view trở lên với facebook; số lượng comment 20 trở lên…

Đối với giải sáng tạo hình ảnh, tác phẩm thuộc các thể loại ảnh chụp và video quay thật kèm chú dẫn thời gian, địa điểm; tranh/ảnh biếm họa, infographichs thể hiện sự hiểu biết và góc nhìn phê phán của tác giả; video sưu tầm, chỉnh sửa từ nhiều nguồn tư liệu-cần chịu trách nhiệm về bản quyền và ghi rõ nguồn tư liệu…

Tổng giá trị giải thưởng là hơn 30 triệu đồng, trong đó có 5 giải trao cho 5 tác phẩm báo chí được đăng trên báo in, báo mạng và báo hình; 10 giải cho 10 bài viết xuất sắc trên mạng xã hội; 3 giải Nhất-Nhì-Ba cho giải trình ảnh…

Cũng trong chiều 12-9, Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam cũng tổ chức Hội nghị ra mắt mạng lưới thúc đẩy tiếng nói người bị hại, người bị bệnh vào tiến trình vận động chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam.

Mạng lưới này có mục tiêu hoạt động nhằm chung tiếng nói và hành động thúc đẩy an toàn môi sinh và hỗ trợ cho những hội viên thể hiện được tiếng nói của mình tại các diễn đàn xã hội chính xác; đạt được 9 mục tiêu phòng chống bệnh không lây nhiễm vào năm 2025 tại Việt Nam theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Triển khai các hoạt động truyền thông và vận động chính sách hỗ trợ thực hiện có hiệu quả Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lấy nhiễm khác giai đoạn 2012-2020 tại Việt Nam…

PGS-TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng chia sẻ tại Hội thảo (ảnh T.A)

PGS-TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng chia sẻ tại Hội thảo (ảnh T.A)

Theo PGS-TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, hiện môi trường sống tự nhiên và xã hội đều thay đổi với tốc độ rất nhanh. Sự thay đổi về môi trường đất, nước, không khí và đời sống sinh hoạt khiến ngày càng nhiều yếu tố độc hại, thải ra từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người.

Nhiều bệnh nhiễm trùng mới phát sinh, bệnh không lây nhiễm trở thành gánh nặng chiếm ¾ gánh nặng bệnh tật của chúng ta. Các bệnh tiểu đường, béo phì, tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư, dị ứng và cả rối nhiễu tâm trí... ngày càng tăng và càng sớm trong cuộc đời con người.

Thực phẩm không an toàn, nước uống không đảm bảo vệ sinh, nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ở một số vùng thường xuyên ở mức báo động, gấp hàng chục lần ngưỡng giới hạn nguy hiểm. Bụi PM2.5 vượt qua các hàng rào bảo vệ của cơ thể, vào cả hệ dịch não tủy đến lứng đọng trong não bộ gây rối loạn hệ thống.

Các sản phẩm vật liệu không thân thiện với môi trường, hóa chất tồn dư trong thực phẩm cùng các loại sản phẩm tiêu dùng chế biến công nghiệp như sữa, đồ uống có đường, bia rượu, thuốc lá... thay thế các sản phẩm tiêu dùng tự nhien là những yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm trường trực. Đồng thời, chất thêm gánh gánh nặng rác thải khó phân hủy đưa ra môi trường sống, phá vỡ cân bằng sinh thái, bệnh tật mới phát sinh, gánh nặng chi tiêu y tế tăng vọt.

“Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào thái độ của chúng ta với môi trường sống… Phản biện chính sách, góp phần tăng cường sức khỏe-sức khỏe sinh thái ở tầm vĩ mô, truyền thông thúc đẩy sức khỏe sinh thái ở chính sách vi mô, đi đầu trong xã hội tạo dựng phong trào và cộng đồng sức khỏe sinh thái, chính là mục tiêu hành động bao trùm của NCD-VN”, TS. Bùi Thị An nhấn mạnh.

T. An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phat-dong-giai-bao-chi-ve-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-162160.html