Phát động kêu gọi người dân tham gia tố giác sách giả, sách lậu là cần thiết
Một số chuyên gia cho rằng, hình thức kinh doanh trực tuyến mang lại nhiều thuận tiện nhưng cũng là nguyên nhân làm sách lậu, sách giả diễn biến phức tạp.
Vấn nạn sách giả, sách lậu, "vàng - thau lẫn lộn" vẫn đang là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản. Các đối tượng làm giả sách ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho việc phát hiện, phòng chống và đẩy lùi.
Các ấn phẩm giả mạo gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho toàn ngành xuất bản
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Hùng - Tổng biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Bách khoa Hà Nội nhận định: “Tình trạng sách lậu, sách giả gây ra hậu quả nghiêm trọng, tạo nên “văn hóa” thản nhiên vi phạm pháp luật, hay nói đúng hơn là coi thường luật pháp, ăn cắp tài sản và sở hữu trí tuệ một cách ngang nhiên.
Nhà xuất bản Bách Khoa Hà Nội từ lâu đã và đang phải “sống chung với lũ”, không dám xuất bản với số lượng lớn, mặc dù biết được tiềm năng tiêu thụ xuất bản phẩm.
Bởi vì, chỉ sau khi những cuốn sách được phát hành từ 1 đến 2 ngày, sách photo giá rẻ đã bày bán công khai tại nhiều cửa hàng rất gần nhà xuất bản.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Hùng chia sẻ thêm: “Cá nhân tôi cũng là một tác giả sách, một nhà giáo chứng kiến sinh viên của mình sử dụng chủ yếu là sách photo. Khó trách các em, khi giá của những quyển sách photo chỉ bằng một nửa giá sách gốc.
Hậu quả là cuốn sách gốc chỉ in 300 cuốn nhưng mấy năm không bán hết. Trong khi hằng năm đã có hàng trăm sinh viên cần sử dụng sách, chưa kể đến các độc giả khác.
Thậm chí, một cuốn sách khác của tôi, xuất bản tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bị làm giả, in lỗi bìa nhưng lại được bày bán ngay tại một cửa hàng".
Tình trạng sách giả đặt ra rất nhiều thách thức cho Nhà xuất bản Bách khoa Hà Nội, khi sản phẩm chính thống không bán được hoặc bán với số lượng rất hạn chế, giá thành sản phẩm cao do số lượng sách xuất bản ít, nên khó cạnh tranh.
Theo đó, lợi nhuận thu về không cao, dẫn đến thu nhập của cán bộ eo hẹp, cán bộ không mặn mà với nghề. Nhuận bút thấp còn kéo theo việc tác giả không có hứng sáng tạo và viết sách (trừ những sách cần thiết cho việc phong học hàm hoặc bắt buộc phải viết), nhưng như vậy chất lượng cũng không cao. Từ đó, uy tín của nhà xuất bản bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nhà xuất bản không dám xuất bản sách dịch, do không bù được chi phí bỏ ra cho việc mua bản quyền cũng như kinh phí thuê dịch thuật và hiệu đính.
Tất cả những điều trên khiến Nhà xuất bản Bách khoa Hà Nội rất khó phát triển và quy mô ngày càng thu hẹp.
Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, người sáng lập Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books) đưa ra quan điểm: “Sự xuất hiện và lan tràn của các ấn phẩm giả mạo đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ đến các nhà xuất bản và tác giả, mà còn gây hệ lụy cho cả độc giả và toàn xã hội.
Cụ thể, sách giả làm suy giảm chất lượng tri thức mà độc giả tiếp cận. Sách giả thường có chất lượng in ấn kém, nội dung sai lệch hoặc bị thiếu hụt, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập và tiếp thu kiến thức của người đọc.
Thêm vào đó, sách giả, sách lậu gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tài chính cho các nhà xuất bản và tác giả. Nguồn thu từ việc bán sách chính hãng bị suy giảm, làm ảnh hưởng đến khả năng tái đầu tư và phát triển các dự án sách mới.
Đối với tác giả, việc tác phẩm của họ bị sao chép mà không có sự bảo vệ thích đáng, không chỉ khiến họ mất đi nguồn thu nhập chính đáng, mà còn làm suy giảm động lực sáng tạo. Nhiều tác giả đã bày tỏ lo lắng và thất vọng khi “những đứa con tinh thần” của họ bị làm giả một cách trắng trợn.
Hơn nữa, về mặt xã hội, sách lậu làm lệch lạc ý thức về giá trị tri thức và quyền sở hữu trí tuệ. Khi người tiêu dùng dễ dàng mua được sách giả với giá rẻ mà không hiểu rõ tác hại, họ vô tình cổ súy cho hành vi vi phạm bản quyền.
Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của văn hóa đọc, khiến nhiều người dần coi nhẹ giá trị của sách thật và không tôn trọng công sức của các nhà xuất bản và tác giả”.
Còn theo góc nhìn của Thạc sĩ Phạm Văn Phê - Phó Trưởng khoa Xuất bản, Phát hành (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), sách lậu, sách giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích chính đáng của tác giả, độc giả; gây thiệt hại về vật chất, uy tín cho nhà xuất bản và đơn vị liên kết; gây khó khăn cho công tác quản lý, thất thu ngân sách, triệt tiêu sự sáng tạo, làm “xói mòn” văn hóa đọc…
Hình thức kinh doanh trực tuyến có thể làm gia tăng tình trạng sách giả, sách lậu
Bàn luận về nguyên nhân gây ra tình trạng sách thật, sách giả lẫn lộn, Thạc sĩ Phạm Văn Phê chỉ ra 6 lý do:
Thứ nhất, vì lợi nhuận hấp dẫn. Cơ sở sản xuất và mua bán sách giả, sách lậu không phải trả tiền bản quyền, nhuận bút tác giả, tiền biên tập, tiền thuê cửa hàng, tiền thuế…
Thứ hai, công nghệ in hiện đại và các ứng dụng trên điện thoại thông minh về xuất bản điện tử đã làm giảm khoảng cách giữa sách thật và sách giả, thậm chí chất lượng in như nhau.
Thứ ba, do sự phát triển của thương mại điện tử. Mặc dù hình thức kinh doanh trực tuyến mang lại một số thuận tiện cho người tiêu dùng, nhưng cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng sách lậu, sách giả. Hơn nữa, việc quản lý hoạt động mua bán online còn lỏng lẻo.
Thứ tư, việc thực hiện quy định về liên kết trong hoạt động xuất bản theo Điều 23 Luật Xuất bản chưa chặt chẽ, chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bên tham gia hoạt động liên kết xuất bản, chưa quản lý chặt chẽ các cơ sở in.
Thứ năm, do người tiêu dùng chưa thể nhận biết được sách thật, sách giả; ưa thích mua hàng hóa giá rẻ và sự tiện lợi từ việc mua sắm online…
Thứ sáu, chế tài xử lý còn thiếu và yếu nên chưa đủ sức răn đe đối với hành vi sản xuất và mua bán sách lậu, sách giả.
Phó Trưởng khoa Xuất bản, Phát hành (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ thêm: “Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, ngoài lợi ích không thể phủ nhận của việc mua, bán hàng hóa (nói chung) và sách (nói riêng) trên các kênh thương mại điện tử (như phạm vi tiếp cận toàn cầu, giao dịch không giới hạn, tiết kiệm chi phí vận hành, tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, người tiêu dùng tiết kiệm được thời gian và mua được hàng hóa với giá thấp hơn…), thì việc mua bán này cũng góp phần làm vấn nạn hàng giả, hàng lậu trở nên phức tạp.
Lý do là vì các cá nhân, tổ chức lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, hàng giả; không phải trả chi phí về cửa hàng, kho hàng, trốn thuế… nên có điều kiện giảm giá hàng hóa; việc không có cửa hàng, kho hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa ở nhiều nơi gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra”.
Ông Nguyễn Cảnh Bình cũng nêu quan điểm, nguyên nhân sâu xa của vấn nạn sách giả, sách lậu xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau:
Đầu tiên, do nhu cầu sử dụng sách tạo ra một thị trường hấp dẫn cho các đối tượng làm giả để trục lợi. Công nghệ in ấn ngày càng hiện đại và dễ dàng nên cơ hội tạo ra thị trường sách giả cũng trở nên rộng rãi hơn.
Thêm vào đó, giá thành sách có thể cao so với thu nhập của một số gia đình, khiến nhiều người tiêu dùng tìm đến các lựa chọn giá rẻ mà không biết hoặc không quan tâm đến việc đó là sách giả.
Ngoài ra, sự phát triển của các kênh thương mại điện tử cũng như mạng xã hội đã vô tình tạo cơ hội cho sách giả, sách lậu được buôn bán rộng rãi hơn.
Các nền tảng công nghệ, dù mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, nhưng lại chưa có đủ biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc đăng tải và kinh doanh các sản phẩm vi phạm bản quyền, đặc biệt là sách giả.
Người tiêu dùng dễ dàng mua được sách với giá rẻ trên mạng mà khó có thể phân biệt được hàng thật và hàng giả, từ đó vô tình tiếp tay cho việc phát tán sách lậu.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sách Alpha chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi đã thâm nhập vào thị trường buôn bán sách giả với vai là người mua hàng và phát hiện ra những đối tượng sản xuất, kinh doanh sách giả này còn mưu mô hơn những gì chúng tôi nghĩ.
Chúng tôi đặt mua tại 5 cửa hàng online khác nhau, cùng một kho hàng tổng chuyển đi, nhưng đến khi nhận hàng, lại là người giao hàng riêng, không qua bất kì đơn vị vận chuyển nào. Khi chúng tôi dò hỏi về nơi người giao lấy hàng vận chuyển, cũng không được cung cấp thông tin.
Còn khi qua các sàn thương mại điện tử, chúng tôi tiến hành kiểm tra số điện thoại của bên bán hàng, thì hoàn toàn không thể tìm ra danh tính chủ đơn vị. Vì vậy, việc tìm ra và ngăn chặn là vô cùng khó khăn.
Bản thân khách hàng cũng phản hồi rất nhiều đến Alpha Books về cách thức của các đơn vị này vô cùng tinh vi, chính những người đọc sách lâu năm cũng bị lừa".
Nhiều giải pháp ngăn chặn, nhưng gây ra phiền toái cho chính nhà xuất bản và độc giả
Để đẩy lùi “vấn nạn” sách giả, sách lậu, Nhà xuất bản Bách khoa Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp. Vị Giám đốc chia sẻ kinh nghiệm: Giải pháp thứ nhất, ký hợp đồng xuất bản và tiêu thụ trọn gói, nhà xuất bản không chịu trách nhiệm phát hành sách ra thị trường. Tuy nhiên, dù giảm được rủi ro, song, giải pháp này áp dụng có phần hạn chế và số lượng xuất bản thường rất ít, lợi nhuận thu được không cao.
Giải pháp thứ hai, xuất bản sách giấy đi kèm với phần mềm được tải trên ứng dụng. Nghĩa là nếu mua sách giả, sách lậu, sách photo sẽ chỉ sử dụng được với nội dung hết sức hạn chế. Do những cuốn sách này không được cấp mã sử dụng trên ứng dụng, để khai thác thông tin quan trọng không in trong sách giấy. Rõ ràng, việc đầu tư sản xuất sẽ tốn kém hơn và cũng phiền hà hơn đối với độc giả, nhất là khi hạn chế về thiết bị và internet.
Giải pháp thứ ba là xuất bản điện tử với giá thành rẻ hơn rất nhiều, nhưng để xuất bản điện tử cũng phải thuê hạ tầng hoặc tự trang bị với kinh phí đầu tư lớn. Rủi ro là không nhỏ khi bị hacker tấn công và thời gian thu hồi vốn bị kéo dài.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Hùng thông tin thêm, có nhiều giải pháp để hạn chế sách giả, sách lậu, sách photo... nhưng gây ra không ít phiền toái cho chính nhà xuất bản và độc giả.
Hơn nữa, chỉ riêng nhà xuất bản, rất khó có biện pháp hiệu quả vì đa phần khi áp dụng các biện pháp hạn chế ấn phẩm giả mạo, đều khiến tăng chi phí sản xuất dẫn đến giá thành sách tăng cao.
Cần sự chung tay của cơ quan quản lý, nhà xuất bản, cơ sở phát hành, người tiêu dùng, cơ sở đào tạo
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là một trong số ít những trường đại học đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản, Phát hành. Đây sẽ là đội ngũ tham gia trực tiếp vào công cuộc chống sách giả, sách lậu trong tương lai.
Thạc sĩ Phạm Văn Phê cho biết, chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Kinh doanh xuất bản phẩm có các học phần liên quan trực tiếp, gián tiếp tới việc nhận diện và phòng chống sách lậu, sách giả như: Nghiên cứu thị trường xuất bản phẩm, Pháp luật về kinh doanh xuất bản phẩm, Khai thác bản quyền sách, Thương mại điện tử, xuất bản điện tử, Văn hóa kinh doanh, Chuyên đề cập nhật kiến thức.
Ngoài ra, hằng năm, sinh viên khoa Xuất bản, Phát hành cũng tham gia các hoạt động phổ biến pháp luật, trong đó có sở hữu trí tuệ; tham gia game show “Bản quyền và Sáng tạo” do Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; sinh viên đi thực tế môn học, thực tập tại các cơ sở xuất bản, phát hành xuất bản phẩm…
Thạc sĩ Phạm Văn Phê khẳng định: “Việc nhận diện và phòng chống sách giả, sách lậu cần có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở xuất bản, in, phát hành sách, tác giả, người tiêu dùng, các cơ sở đào tạo trong ngành.
Cần có giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về chế tài xử lý, giải pháp về kỹ thuật (kỹ thuật in, tem chống sách giả), giải pháp về tuyên truyền vận động về tác hại của sách lậu, về nhận diện và phòng chống sách lậu.
Đặc biệt, các cơ sở xuất bản, in, phát hành sách cần chủ động phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng việc sách của mình bị làm giả, sử dụng công nghệ in và tem chống hàng giả hiện đại, chủ động hợp lý hóa sản xuất để cắt giảm chi phí, giảm giá thành sách.
Đại diện khoa Xuất bản, Phát hành đưa ra một số kiến nghị, đề xuất đề đẩy lùi, ngăn chặn nạn sách giả, sách lậu một cách hiệu quả như sau:
Thứ nhất, cần sửa đổi Luật Xuất bản và các nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt là phần điều kiện hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành, về bản quyền và sở hữu trí tuệ, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
Thứ hai, cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản và tăng cường công tác thanh kiểm tra thị trường xuất bản phẩm.
Thứ ba, cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động trong nhận diện và phòng chống sách lậu, sách giả.
Thứ tư, tăng cường phối hợp, hỗ trợ các cơ sở xuất bản, in, phát hành trong việc chống sách lậu, sách giả.
Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Bách khoa Hà Nội bày tỏ: “Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả, đặc biệt trong các cơ quan, trường học, các trường đại học, học viện, xây dựng văn hóa không đọc sách giả, sách lậu, sách photo.
Cần thực thi luật pháp nghiêm minh; các hình phạt phải mạnh để đủ sức răn đe. Khi hình phạt vượt quá nhiều lần lợi nhuận có thể thu được từ sách giả, sách lậu, sách photo, thì các ấn phẩm giả mạo này sẽ tự biến mất.
Cũng nên xem xét xử phạt cả người sử dụng. Chẳng hạn, đối với cán bộ, sinh viên, ngoài tuyên truyền cũng nên có biện pháp kỷ luật đủ mạnh để đảm bảo không dám sử dụng sách giả sách lậu, sách photo”.
Ngoài ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Hùng cũng đưa ra thêm một số đề xuất, kiến nghị: “Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bản quyền, sở hữu trí tuệ và khuyến cáo người dân nâng cao ý thức, không sử dụng sách giả, sách lậu, sách photo và đặc biệt là cách phân biệt sách lậu, sách giả.
Đối với các cơ quan, trường học nói chung, cần xây dựng văn hóa không sử dụng sách lậu, sách giả, sách photo và có những giải pháp phù hợp, cương quyết xử lý những cá nhân cố tình vi phạm nếu bị phát hiện, để không ai có ý tưởng sử dụng những sản phẩm vi phạm này.
Phạt nặng để có tính răn đe đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh sách lậu, sách giả, sách photo”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Bình cho rằng: “Để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn sách giả, sách lậu một cách hiệu quả, cần có sự chung tay của nhiều bên liên quan. Trước hết, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng làm giả, buôn bán sách lậu.
Việc tăng cường thực thi pháp luật và áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm khắc sẽ giúp tạo ra sức răn đe đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời, cần có những quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của các nền tảng thương mại điện tử trong việc kiểm soát và ngăn chặn sách lậu.
Bên cạnh đó, các nhà xuất bản cần áp dụng công nghệ hiện đại trong việc nhận diện sách thật, đồng thời xây dựng các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của sách giả.
Việc phát động các chương trình cộng đồng kêu gọi người dân tham gia tố giác, phản ánh các hành vi buôn bán sách giả là một biện pháp thiết thực và cần thiết. Khi người dân cùng chung tay, việc phát hiện và xử lý sách lậu sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn”.
Cơ sở giáo dục đại học chủ động cập nhật chương trình đào tạo để thích ứng
Để bắt kịp với thực tiễn thay đổi liên tục và ứng phó với những nguy cơ đối với ngành xuất bản, Thạc sĩ Phạm Văn Phê cho biết, Khoa Xuất bản, Phát hành (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) thực hiện rà soát, chỉnh sửa, cập nhật chương trình đào tạo 2 lần trong 5 năm. Mỗi lần đánh giá, cập nhật chương trình, Khoa tiến hành loại bỏ một số học phần không còn phù hợp, bổ sung các học phần mới, cập nhật nội dung mới đối với các học phần đang thực hiện nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Thạc sĩ Phạm Văn Phê cho hay: “Năm 2024, khoa Xuất bản, Phát hành xây dựng chương trình đào tạo mới để bổ sung thêm những kiến thức nhằm bắt kịp với xu hướng xuất bản, phát hành, giúp sinh viên nhanh chóng gia nhập vào công việc thực tế sau khi tốt nghiệp.
Chương trình đào tạo đã được bổ sung thêm 3 học phần gồm: Sáng tạo nội dung số, Truyền thông sách, Năng lực số. Bên cạnh đó, nhiều học phần được cập nhật kiến thức, tăng thời lượng thực hành, tăng thời gian thực tập, thay đổi hình thức thi và đánh giá, chú trọng đến các kỹ năng cần thiết…