Phát động 'Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2023'
Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc” và Tháng Công nhân năm nay với chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức”. Các chủ đề này nhằm mục tiêu thúc đẩy các cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động và người lao động quan tâm thực thi nghiêm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là lao động là đoàn viên công đoàn.
Theo đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng. Bởi vì nó tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người và sự phát triển của mỗi cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như hộ gia đình. Theo số liệu tổng hợp báo cáo tình hình tai nạn lao động năm 2022, trên toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (tăng 1.214 vụ so với năm 2021) làm 7.923 người bị nạn (tăng 1.265 người so với năm 2021). Tại tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2022 đã xảy ra 1 vụ tai nạn lao động, làm chết 1 người.
Đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (thứ 9 từ phải qua) và lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh trao bảng tượng trưng tặng nhà “Mái ấm công đoàn”. Ảnh: THIỆN HẢI
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc đề nghị các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, thực hiện báo cáo tai nạn lao động theo quy định. Các cấp, các ngành, lãnh đạo doanh nghiệp định kỳ gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại với công nhân, giải quyết kịp thời những vấn đề công nhân quan tâm, bức xúc như: nhà ở cho công nhân, nhà trẻ - trường học, văn hóa giải trí, điều kiện lao động... Các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động, tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Người lao động cần chủ động trang bị những kiến thức, những kỹ năng nhận diện rủi ro, làm việc an toàn để bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.
Đại diện các doanh nghiệp trao bảng tượng trưng hỗ trợ quà cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: THIỆN HẢI
Dịp này, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh đã trao tặng Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho 2 tập thể và Cờ thi đua của Liên đoàn Lao động tỉnh cho 8 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và hoạt động công đoàn năm 2022.
Tại buổi lễ, nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, chăm lo cho hàng trăm công nhân, viên chức, lao động đã được thực hiện. Theo đó, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh trao bảng tượng trưng tặng nhà “Mái ấm công đoàn” cho 18 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nghèo, khó khăn, bức xúc về nhà ở với tổng giá trị 840 triệu đồng; đồng thời, hỗ trợ 50 suất quà cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Trần Đề mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng trao hỗ trợ các phần quà cho 100 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 60 triệu đồng.
Sau lễ phát động, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động tỉnh tổ chức các xe diễu hành nhằm kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân, người lao động tích cực hưởng ứng “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2023”.