Phát động tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, tháng hành động vì môi trường

Tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), ngày 10/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa và một số cơ quan phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, tháng hành động vì môi trường.

Quyết tâm khắc phục khó khăn, bảo vệ môi trường

Dự lễ phát động có ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương và nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Lễ phát động nhằm hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6) với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa" và ngày Đại dương thế giới (8/6) với chủ đề "Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương".

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, ngày môi trường thế giới 2024 đã được Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa", nhằm kêu gọi mọi người dân cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa, ngăn chặn ô nhiễm môi trường…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại lễ phát động.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại lễ phát động.

Chủ đề được lựa chọn xuất phát từ thực tế, hiện nay có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu. Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000. Nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.

Tại Việt Nam, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp. Dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-60%, trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 25-50%.

Ngoài ra, Việt Nam hiện có trên 11,8 triệu ha, chiếm 35,74% tổng diện tích đất tự nhiên chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa nguy cơ dẫn tới sa mạc hóa. Tình trạng này vẫn đang tiếp tục gia tăng và sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành nông nghiệp của nước ta.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, ngày Môi trường thế giới và ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau khẳng định quyết tâm hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức, ngăn chặn sự gia tăng tốc độ suy thoái tài nguyên đất, hạn chế tình trạng hạn hán, ô nhiễm môi trường…

Lễ phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và tháng hành động vì môi trường thu hút đông đảo đại biểu về dự.

Lễ phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và tháng hành động vì môi trường thu hút đông đảo đại biểu về dự.

Đại diện địa phương, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, với phương châm không đánh đổi môi trường bằng sự tăng trưởng và phát triển kinh tế trước mắt và đã có nhiều biện pháp, chính sách cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Nhiều đại biểu và chuyên gia dự lễ phát động cũng chia sẻ, trong vấn đề bảo môi trường nói chung thì vấn đề môi trường y tế cũng cần được quan tâm đặc biệt. Các cơ sở y tế cần chú trọng đến vấn đề xử lý rác thải trong cơ sở, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ quan, đơn vị.

Rác thải phải xử lý đúng quy chuẩn môi trường

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã kêu gọi các ban, bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân hành động thiết thực để giải quyết vấn đề hạn hán, sa mạc hóa và bảo vệ môi trường.

Nhiều lãnh đạo các ban ngành, địa phương dự lễ phát động.

Nhiều lãnh đạo các ban ngành, địa phương dự lễ phát động.

Ông Khánh nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung giải quyến như, quản lý chất lượng môi trường đất, quản lý tốt rác thải nhựa đại dương. Quản lý bền vững tài nguyên rừng, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên cả nước. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nghiêm cấm việc xả thải (trong đó có rác thải y tế) không đúng quy định ra môi trường.

Bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển là nhiệm vụ quan trọng.

Bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển là nhiệm vụ quan trọng.

Cùng với đó, xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, giảm phát sinh chất thải thông qua các nỗ lực trồng rừng, hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý, sử dụng bền vững không gian biển.

Nâng cao nhận thức của người dân về phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể trong việc bảo vệ môi trường.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-dong-tuan-le-bien-va-hai-dao-viet-nam-thang-hanh-dong-vi-moi-truong-169240610152004504.htm