Phạt gần 100 triệu đồng 2 cơ sở chế biến mực

Người dân xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định mong muốn các cơ quan liên quan cần quyết liệt hơn nữa trong việc quản lý, xử phạt để chấm dứt tình trạng ô nhiễm.

Ngày 22-4, báo Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết "Bình Định: Cơ sở chế biến mực trong khu dân cư gây ô nhiễm", phản ánh tình trạng chế biến mực gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực.

Hoạt động chế biến, phơi mực tại địa bàn xã Cát Khánh. Ảnh: BT

Hoạt động chế biến, phơi mực tại địa bàn xã Cát Khánh. Ảnh: BT

Sau phản ánh của báo, UBND xã Cát Khánh đã phối hợp với các ban ngành để theo dõi hoạt động chế biến mực gây ô nhiễm trong khu dân cư.

Sau đó UBND huyện Phù Cát đã có quyết định xử phạt ông DVL (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) số tiền 67,5 triệu đồng và ông TVH (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) số tiền 30 triệu đồng vì chế biến xả thải mực gây ô nhiễm môi trường.

Theo kết quả phân tích thử nghiệm của Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh, một số chỉ tiêu trong nước thải từ hoạt động sơ chế mực xà của ông DVL có sáu chỉ tiêu (TSS, BOD5, nitơ, amoni, COD, coliform) vượt quy định chuẩn kỹ thuật về chất thải từ năm đến dưới 10 lần (đối chiếu với QCVN11: 2015/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải chế biến thủy sản (cột B)). Cụ thể chỉ tiêu coliform vượt 9,2 lần; tổng nitơ vượt 5,66 lần; amoni (NH4+ tính theo N) vượt 5,39 lần; nhu cầu ôxy sinh hóa BOD5 vượt 5,38 lần; tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 3,57 lần; nhu cầu ôxy hóa học COD vượt 2,72 lần.

Ông NVG, người dân sống gần khu sơ chế mực, cho biết mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã có kiểm tra, xử phạt nhưng đến nay việc chế biến mực gây ô nhiễm vẫn còn. Không thể vì lợi nhuận trước mắt mà cố tình vi phạm các quy định của Nhà nước về môi trường. Người dân nơi đây mong muốn các cơ quan liên quan cần quyết liệt hơn nữa trong việc quản lý, xử phạt để chấm dứt tình trạng trên.

Chính quyền xã Cát Khánh đang phối hợp với các ban ngành để lập nhiều chốt trực trên địa bàn nhằm ngăn chặn và thu giữ những xe ba gác chở mực đến nơi chế biến.

Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết hiện nay chính quyền xã Cát Khánh đang phối hợp với các ban ngành để lập nhiều chốt trực trên địa bàn nhằm ngăn chặn và thu giữ những xe ba gác chở mực đến nơi chế biến.

Vấn đề ô nhiễm của việc chế biến mực và xả thải đã đến mức báo động. Cùng với việc tuyên truyền bà con không sơ chế mực gây ô nhiễm, UBND xã sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử phạt các hộ dân vi phạm việc chế biến, xả thải gây ô nhiễm môi trường, thậm chí sẽ đề nghị chuyển sang xử lý hình sự những hộ dân cố tình vi phạm nhiều lần.•

BÁCH THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/phat-gan-100-trieu-dong-2-co-so-che-bien-muc-post692955.html