Phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao kỷ lục
Ba quý đầu năm 2020, thị trường chứng khoán chứng kiến các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao kỷ lục với tổng giá trị 324.668 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2019.
Theo số liệu của bộ phận nghiên cứu thị trường của FiinGroup và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành 9 tháng từ đầu năm đã ghi nhận con số cao kỷ lục so với những năm trước.
Hiện tại, quy mô của kênh trái phiếu doanh nghiệp tính theo giá trị phát hành đã đạt mức 12,6% GDP và trở thành một kênh đầu tư đối trọng với thị trường cổ phiếu cũng như kênh gửi tiết kiệm truyền thống.
Trong tổng số 324.668 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành 9 tháng, giá trị phát hành tháng 8 chiếm tỷ lệ lớn nhất với tổng giá trị là 89.193 tỷ đồng, tương đương 27,5%.
Xét theo nhóm ngành, các doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành nhiều trái phiếu nhất từ đầu năm với gần 104.631 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ và chiếm 32,2% lượng phát hành toàn thị trường. Đáng chú ý là 12.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi Công ty CP Vinhomes (VHM) với lãi suất 9,5-10%/năm; hay 9.426,7 tỷ trái phiếu được phát hành bởi Tập đoàn Novaland (NVL) với lãi suất 10,5-11%/năm…
Theo sau là nhóm ngân hàng với giá trị đạt 93.669 tỷ đồng, chiếm gần 29% quy mô phát hành từ đầu năm. Trong đó, nhiều nhà băng ghi nhận những đợt phát hành lớn như BIDV (19.527 tỷ), VIB (13.000 tỷ), HDBank (gần 11.000 tỷ)…
Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, nếu tính riêng tháng 9, ngân hàng chính là nhóm có quy mô phát hành trái phiếu lớn nhất, chiếm đến 90,2% tổng giá trị phát hành thành công, với kỳ hạn phát hành bình quân 4,21 năm.
Cụ thể, riêng tháng 9, HNX ghi nhận 20 doanh nghiệp phát hành thành công 30 đợt trái phiếu riêng lẻ trên tổng số 90 đợt đăng ký. Giá trị phát hành thành công đạt 10.500 tỷ đồng, chiếm 42,7% tổng giá trị đăng ký phát hành. Như vậy, các tổ chức tín dụng đã phát hành trên 9.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng gần nhất.
Tính chung 9 tháng, dữ liệu cho thấy lãi suất phát hành trái phiếu hiện nay phổ biến là lãi suất thả nổi với tổng giá trị phát hành lên đến 128.416 tỷ (39,6%). Tiếp theo là nhóm lãi suất lớn hơn 10%/năm với tổng giá trị phát hành 76.999 tỷ (23,8%), nhóm lãi suất từ 8% đến 10%/năm với tổng giá trị phát hành 59.255 tỷ đồng, chiếm 18,3%.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, nguyên nhân chính khiến trái phiếu doanh nghiệp trong nước tăng mạnh từ đầu năm là do tác động của Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát hành ra công chúng.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu sẽ đáp ứng được nhu cầu vốn này, thậm chí là mục đích cơ cấu nợ của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Tuy nhiên, mới đây, cơ quan quản lý tiền tệ đã đưa ra dự thảo thông tư siết hoạt động mua bán trái phiếu của ngân hàng nhắm tới hoạt động cơ cấu nợ của doanh nghiệp.
Cụ thể, NHNN cho biết quy định trước đó cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ. Thời gian qua đã phát sinh việc ngân hàng mua trái phiếu với mục đích này, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong điều kiện doanh nghiệp phát hành tiếp tục gặp khó khăn và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp lại phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu nợ.
Để hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng, NHNN dự kiến siết quy định đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp có mục đích cơ cấu lại khoản nợ thì các ngân hàng không được tham gia mua.
Dự thảo mới cũng siết một số quy định trong hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng như chỉ được mua trái phiếu khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; không được mua trái phiếu của doanh nghiệp có phát sinh nợ xấu 12 tháng gần nhất; không được mua trái phiếu phát hành có mục đích góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác…
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-cao-ky-luc-post1146907.html