Phát hiện 24.590 hồ sơ hưởng thương binh, chất độc hóa học sai quy định

Qua kết quả thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH phát hiện 24.590 hồ sơ hưởng thương binh, chất độc hóa học sai quy định, tuy nhiên công tác thu hồi tiền gặp nhiều khó khăn.

Xuất phát từ đơn khiếu nại của người dân và phản ánh của đại biểu Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo Thanh tra bộ phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Sở LĐ-TB&XH tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.

Đây là cuộc thanh tra quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại hầu hết các địa phương trên cả nước nằm vào diện thanh tra đối với lĩnh vực được xem là nhạy cảm này.

Phát hiện lượng lớn hồ sơ khai man, giả mạo

Theo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, cuộc thanh tra lớn đầu tiên được tiến hành trước năm 2015 với sự tham gia phối hợp của Bộ Quốc phòng. Các hồ sơ chủ yếu của giai đoạn đầu thanh tra là hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội xác lập từ năm 1998 đến năm 2013, số lượng 66.014 hồ sơ.

Sau khi kết thúc cuộc thanh tra trên vào năm 2018 và có những kết quả tích cực, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các địa phương thanh tra, rà soát 320 nghìn hồ sơ hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hồ sơ hưởng chế độ con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Với 2 cuộc thanh tra quy mô lớn, tính đến ngày 31-12-2023, kết quả thanh tra, kiểm tra, rà soát hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trên toàn quốc đã phát hiện 24.590 trường hợp hưởng sai chế độ ưu đãi. Trong đó, 5.397 đối tượng thuộc diện khai man, giả mạo tài liệu để lập hồ sơ hưởng chế độ.

 Kết quả giám định kỹ thuật hình sự cho thấy nhiều hồ sơ hưởng thương binh bị tẩy xóa. Ảnh: V.LONG

Kết quả giám định kỹ thuật hình sự cho thấy nhiều hồ sơ hưởng thương binh bị tẩy xóa. Ảnh: V.LONG

Cụ thể, đối với nhóm hồ sơ thương binh, kết quả giám định kỹ thuật hình sự nhiều trường hợp cho thấy tài liệu “gốc” làm căn cứ để lập hồ sơ hưởng chế độ bị tẩy, xóa toàn bộ nội dung cũ để viết lại nội dung mới không đúng với nội dung nguyên thủy. Song song đó, hình dấu trên tài liệu và tài liệu để làm căn cứ lập hồ sơ bị giả mạo.

Nhiều trường hợp hồ sơ hưởng thương binh lập giả danh sách quân nhân bị thương hoặc đơn vị cấp giấy sao danh sách quân nhân bị thương không có cơ sở cấp giấy chứng nhận bị thương sai thẩm quyền; ghi thêm nội dung bị thương và hồ sơ không có quyết định phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc giấy xác nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

Đối với nhóm hồ sơ hưởng chế độ chất độc hóa học, đoàn thanh tra phát hiện nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ chứng minh thời gian hoạt động kháng chiến tại các vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam không hợp pháp. Chẳng hạn như giấy bị tẩy xóa, sửa chữa, viết thêm địa bàn hoạt động hoặc giả mạo giấy tờ của cơ quan nhà nước.

Một số cơ quan quân đội, hội cựu thanh niên xung phong xác nhận thời gian, địa bàn hoạt động kháng chiến cho đối tượng để làm căn cứ lập hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi, tuy nhiên không có hồ sơ gốc lưu tại đơn vị để làm căn cứ.

Đáng chú ý, kết quả thanh tra 204.965 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tại 40 tỉnh, thành phát hiện 9.717 hồ sơ của đối tượng được Hội đồng giám định y khoa các tỉnh, thành khám giám định bệnh, tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học và xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể không đúng quy định. Hoặc trạm y tế cấp xác nhận về tình trạng dị dạng, dị tật để làm căn cứ lập hồ sơ không đúng với tình trạng dị dạng, dị tật của đối tượng.

Có sự tiếp tay của một số cán bộ

Với kết quả trên, đoàn thanh tra nhận định nguyên nhân của các sai sót trên “có sự tiếp tay của một số cán bộ, công chức” lợi dụng thẩm quyền được giao để làm sai quy định trong giải quyết chính sách. Hiện những người này đều đã bị xử lý hình sự.

Theo một cán bộ Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH: Hình thức vi phạm chủ yếu của các cán bộ là cấp lại giấy chứng nhận bị thương hoặc xác nhận đối tượng đã công tác, chiến đấu tại đơn vị thiếu căn cứ hoặc chưa kiểm tra, thẩm định kỹ về hồ sơ, tài liệu…

Các đối tượng thụ hưởng chính sách sai quy định do khai man, giả mạo hồ sơ đều đã bị đình chỉ trợ cấp và buộc hoàn trả số tiền trợ cấp đã hưởng sai. Với những người trong quá trình lập hồ sơ có sai sót có thể hướng dẫn bổ sung.

Cạnh đó, nước ta trải qua ba cuộc kháng chiến kéo dài, ác liệt, đất nước gặp nhiều khó khăn, việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến thông tin của cán bộ, chiến sĩ tại nhiều cơ quan, đơn vị quân đội không đầy đủ. Vì vậy, khi mở ra chính sách giải quyết kịp thời các hồ sơ tồn đọng dẫn đến việc xét duyệt hồ sơ, xác nhận đối tượng hưởng chế độ ưu đãi có những sai sót do nể nang, không biết lịch sử tham gia của thế hệ trước.

 Nhiều hồ sơ hưởng thương binh bị phát hiện giả mạo tài liệu. Ảnh: V.LONG

Nhiều hồ sơ hưởng thương binh bị phát hiện giả mạo tài liệu. Ảnh: V.LONG

Thêm vào đó, việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian dài với các quy định trong từng thời kỳ khác nhau nên có nhiều đối tượng lợi dụng khai man, giả mạo tài liệu của cơ quan nhà nước làm căn cứ lập hồ sơ, hoặc chứng nhận sai sự thật cho người khác nhằm trục lợi chính sách.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng có sai sót về chuyên môn của cơ quan chức năng trong việc xác định, kết luận các căn cứ để làm cơ sở duyệt hồ sơ, giải quyết chế độ ưu đãi. Hệ thống văn bản quy định về chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công qua các thời kỳ còn những bất cập, hạn chế.

Cụ thể ở đây là quy định về danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật và phương pháp, cách thức xác nhận của cơ quan y tế về việc đối tượng mắc bệnh, tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học làm căn cứ để cơ quan chức năng giải quyết chế độ còn bất cập, dẫn đến việc triển khai thực hiện chính sách ở các địa phương có những cách thức thực hiện khác nhau.

“Chẳng hạn như tỉnh Thái Bình tự ban hành văn bản quy định về danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật để làm căn cứ giải quyết chế độ chất độc hóa học dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý sai phạm…”- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Thu của hộ nghèo sợ... nghèo thêm

Đối với những người hưởng sai chế độ, Bộ LĐ-TB&XH tiến hành chấm dứt chế độ hưởng, nhằm tạo sự công bằng, nghiêm minh trong thực hiện chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện việc thu hồi số tiền đối tượng hưởng sai phát hiện qua thanh tra gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước, địa phương đã rất quyết liệt trong việc thu hồi tiền hưởng sai chế độ, tuy nhiên việc này gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ nhiều đối tượng cao tuổi, bệnh tật và không có khả năng lao động. Một số trường hợp chất độc hóa học gián tiếp bị dị dạng dị tật bẩm sinh, sống phụ thuộc, mắc bệnh hiểm nghèo. Vì vậy, địa phương cũng kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH có giải pháp để tháo gỡ với các trường hợp nêu trên.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện số tiền mà các đối tượng hưởng sai phải nộp lại cho ngân sách Nhà nước là trên 2.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới thu được số tiền trên 163 tỉ đồng, chỉ chiếm tỉ lệ 6,79%, số tiền chưa thu hồi trên 2.237 tỉ đồng, chiếm tới 93,21%.

Nguyên nhân là do một số trường hợp không đồng ý nộp trả ngân sách nhà nước số tiền hưởng sai vì cho rằng sai sót là do cơ quan chức năng chứ không phải do bản thân khai man, giả mạo.

Nhiều người không có khả năng nộp trả vì số tiền đối tượng hưởng sai lớn. Trung bình mỗi người phải nộp lại số tiền hưởng sai hàng trăm triệu đồng. Song song đó, có trường hợp đã chết, đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình không có thu nhập ổn định, đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số không có khả năng hoàn trả…

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, trong khi 3.501 đối tượng (chiếm 14,24%) thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, bản thân mắc bệnh đang trong tình trạng hiểm nghèo phải thu hồi. Nếu phải thu hồi, cưỡng chế thì lại tiếp tục đẩy gia đình đó vào tình trạng nghèo thêm, dẫn đến đời sống của người dân không có cơ hội thoát nghèo, đồng thời có thể dẫn đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn hơn.

Thêm vào đó, các đối tượng bị đình chỉ trợ cấp và thu hồi số tiền hưởng sai nêu trên phần lớn trên 70 tuổi, nhiều trường hợp trên 80 tuổi, đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số không có nguồn thu nhập thấp. Vì vậy, việc triển khai thu hồi số tiền hưởng sai của các đối tượng này là rất khó khăn.

Về pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc cưỡng chế thu hồi đối với đối tượng hưởng sai chế độ nhưng cố tình không nộp trả ngân sách nhà nước hoặc cơ chế phối hợp trong việc kê biên tài sản để thu hồi. Pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về mức độ, trách nhiệm bồi thường của cán bộ, công chức trong việc thẩm định, xác nhận, giải quyết chế độ sai quy định.

Với những khó khăn trên và xuất phát từ kiến nghị của các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc miễn thu hồi số tiền hưởng sai đối với các đối tượng sau: hộ nghèo, hộ cận nghèo; người mắc bệnh đang trong tình trạng hiểm nghèo, không còn khả năng lao động, không có thu nhập; người đồng bào dân tộc thiểu số.

Với các đối tượng khác, bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiến hành các biện pháp thu hồi để hoàn trả lại ngân sách Nhà nước.

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết trong số 24.590 đối tượng hưởng sai chế độ có 216 đối tượng thuộc hộ nghèo với số tiền phải thu hồi trên 26 tỉ đồng; 226 đối tượng thuộc hộ cận nghèo với số tiền phải thu hồi trên 28,5 tỉ đồng;

2.276 đối tượng mắc bệnh đang trong tình trạng hiểm nghèo, không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập, với số tiền phải thu hồi trên 260 tỉ đồng; 783 đối tượng là người dân tộc thiểu số không có nguồn thu nhập với số tiền phải thu hồi trên 95,2 tỉ đồng; 21.089 đối tượng còn lại với số tiền phải thu hồi trên 1.827 tỉ đồng.

P.P

Nguồn PLO: https://plo.vn/phat-hien-24590-ho-so-huong-thuong-binh-chat-doc-hoa-hoc-sai-quy-dinh-post800668.html