Phát hiện 3 biến chủng của virus SARS-CoV-2 trên thế giới

Virus SARS-CoV-2 đang tìm cách di chuyển vào bên trong tế bào chất và tấn công nhân tế bào. Ảnh: Oswaldo Cruz Foundation.

* Các nhà khoa học Nga cảnh báo về khả năng bùng phát dịch bệnh mới

Qua phân tích cho thấy biến chủng gốc loại A truyền từ dơi qua vật chủ trung gian là tê tê sang con người không phổ biển tại Trung Quốc. Thay vào đó, Trung Quốc – nơi bùng phát đại dịch chủ yếu bị tấn công bởi biến chủng loại B – xuất hiện từ thời điểm Giáng sinh.

Biến chủng loại A phổ biến ở Mỹ và Úc. Mỹ hiện có hơn 400.000 ca mắc Covid-19. 2/3 số mẫu xét nghiệm liên quan đến biến chủng loại A, nhưng bệnh nhân bị nhiễm chủng này chủ yếu là ở khu vực Bờ Tây, chứ không phải ở New York.

Tiến sĩ Peter Forster và nhóm nghiên cứu nhận thấy, Anh hầu như bị ảnh hưởng bởi biến chủng loại B, với 3/4 mẫu xét nghiệm cho thấy sự xuất hiện của biến chủng này. Thụy Sỹ, Thụy Sĩ, Đức, Pháp, Bỉ và Hà Lan cũng bị ảnh hưởng bởi loại B.

Trong khi đó, biến chủng loại C, xuất phát từ loại B lại lan sang châu Âu qua Singapore. Các nhà khoa học tin rằng virus SARS-CoV-2 - liên tục biến đổi để vượt qua sức đề kháng của hệ thống miễn dịch ở các cộng đồng khác nhau.

Nghiên cứu cũng cho thấy một điều kỳ lạ là biến chủng gốc loại A đã lây lan khắp khu vực Bờ Tây của Mỹ, nhưng nó lại không phổ biến ở Trung Quốc. Công trình nghiên cứu này dựa trên việc truy tìm mẫu bệnh phẩm của 160 bệnh nhân trên toàn thế gới, trong đó có nhiều bệnh nhân đầu tiên tại Mỹ và châu Âu.

Các nhà khoa học đã liên tục cập nhật phân tích của họ, nghiên cứu hơn 1.000 ca mắc đến cuối tháng 3 để cung cấp một hình ảnh rõ ràng hơn. Hình ảnh được công bố trên tạp chí PNAS, ban đầu cho rằng biến chủng loại C là phổ biến nhất tại châu Âu, nhưng các dữ liệu hiện tại lại cho thấy loại B đang lây lan mạnh mẽ hơn.

Theo Tiến sĩ Peter Forster, biến chủng loại A đã biến đổi thành loại B ở Trung Quốc - nhưng loại C, “con cháu” của B, đã phát triển bên ngoài quốc gia này.

* Theo một chuyên gia Nga trong bài “Các nhà khoa học cảnh báo: Sau COVID-19, trên thế giới sẽ xuất hiện các coronavirus chủng mới”, đăng trên trang svpressa.ru ngày 7/4/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, sau COVID-19, nhân loại chuẩn bị sẵn sàng vì thế kỷ 21 trở thành “lịch sử của thảm họa”. Đại dịch COVID-19 tấn công toàn bộ hành tinh sẽ không phải là nạn dịch cuối cùng và nhân loại cần chuẩn bị đối phó với dịch bệnh mới, có nghĩa là sự sụp đổ hiện tại của hệ thống kinh tế thế giới và hàng chục ngàn người chết chỉ là chỉ dấu đầu tiên của một loạt các thảm họa.

Virus được khoa học phát hiện vào cuối thế kỷ 19 chính là các thủ phạm gây ra các bệnh như cúm và bệnh dại. Về sau, các nhà khoa học đã học cách nhận biết các loại virus khác nhau, phân loại chúng và thậm chí tạo ra các chủng mới trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu sâu mức độ phức tạp cấu trúc của các ký sinh trùng này. Qua hàng thập kỷ làm việc nghiêm túc, các chuyên gia đã có thể phân lập và mô tả hơn 6 nghìn loại virus khác nhau.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, trên thế giới có thể tồn tại vài triệu loài virus khác nhau. Không có cách nào để mô tả tất cả, nhưng các chuyên gia đã học cách sử dụng các thuật toán và chương trình máy tính để nhận ra các gien virus cụ thể và từ đó, dự đoán sự xuất hiện của một số bệnh này hoặc bệnh khác. Một trong những loại virus được coi nguy hiểm nhất truyền từ động vật sang người là virus corona - được đặt tên do các các gai của nó tua tủa, gợi nhớ chiếc vương miện.

Đại dịch COVID-19 là đại dịch thứ ba của virus corona trong thế kỷ qua. Vào năm 2002-2003, nhân loại đã trải qua hội chứng hô hấp cấp tính hoặc SARS do virus corona (SARS-CoV) gây ra, ảnh hưởng đến 29 quốc gia, tổng cộng 8.098 trường hợp được ghi nhận, trong đó 774 trường hợp tử vong. Bất hạnh tiếp theo là sự bùng phát của hội chứng hô hấp Trung Đông vào những năm 2013-2015, nguyên nhân là do virus corona MERS-CoV truyền qua dơi. Trên thế giới có hơn 2.500 người bị bệnh, trong đó ít nhất 900 người chết.

Các nhà khoa học từ Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc và Trung tâm Phòng dịch cúm và các mối đe dọa mới của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ đã áp dụng mô hình toán học để đánh giá các mối đe dọa tiềm tàng và phát hiện ra rằng động vật có thể truyền khoảng 1,7 triệu virus corona, trong đó khoảng nửa triệu có thể nguy hiểm đối với con người.

Ở Mỹ, các nhà nghiên cứu đã đề nghị nguồn kinh phí 1 tỉ USD để nghiên cứu phân loại các mầm bệnh này nhằm tạo ra một cơ sở dữ liệu tổng hợp về các đột biến gien và phát triển các cơ chế chung để chống lại các loại virus khác nhau. Đồng thời, nó được lên kế hoạch để phân lập các loại virus sống ở các loài động vật khác nhau để xác định các mối nguy tiềm ẩn của sự xuất hiện bệnh. Điều này áp dụng trước hết cho các nơi có săn bắn động vật hoang dã và khu chăn nuôi.

Đồng thời, các nhà khoa học nhận ra rằng công việc phía trước là vô cùng khó khăn, đặc biệt là khó có thể thu thập thông tin đầy đủ và cần thiết từ tất cả các nơi xa xôi trên hành tinh. Nhưng rắc rối chính ở đây là sự lây lan của coronavirus gắn với hoạt động kinh tế của con người và lối sống hiện đại. Gia tăng dân số đang nhanh chóng đẩy lùi rừng và mở rộng diện tích đất nông nghiệp, làm tăng đáng kể cơ hội tiếp xúc của con người với động vật.

Đồng thời, người yêu thích du lịch hiện đại và dĩ nhiên, thương mại quốc tế cũng góp phần chuyển mầm bệnh qua khoảng cách xa. Trước đây, mọi người chủ yếu ăn thức ăn được canh tác ngay bên cạnh; bây giờ, trong các siêu thị Nga, có cả thịt được chuyển đến từ Nam Mỹ. Một mặt, con người đã tạo cho mình một môi trường để kiếm tiền dễ dàng hơn và tăng tiêu dùng thông qua trao đổi hàng hóa trên toàn thế giới. Mặt khác, đó là một kênh truyền nhanh coronavirus từ động vật sang người và lây lan nhanh chóng bệnh dịch từ lục địa này sang lục địa khác.

Các tài liệu chính thức của WHO chỉ ra rằng, hệ thống giao thông và phong cách quản lý hiện tại góp phần lan truyền dịch bệnh. Con người cần phải nghĩ về đại dịch giống như nghĩ về biến đổi khí hậu, vì đây là một mối đe dọa mang tính sống còn đối với loài người, theo chuyên gia virus học Peter Daszak - cố vấn của WHO. Sau khi dịch hạch bất ngờ bùng phát ở Madagascar năm 2017 đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người, WHO đã gọi thế kỷ 21 hiện tại là một “lịch sử thảm họa lâu dài”.

L.H (tổng hợp từ VOV)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/237455/phat-hien-3-bien-chung-cua-virus-sars-cov-2-tren-the-gioi.html