Phát hiện biến chủng nCoV hoàn toàn mới, 24 trường hợp nhiễm bệnh ở Pháp

Biến chủng mới được cảnh báo đầu tiên bởi giới chuyên gia Pháp, sau khi nước này phát hiện 24 F0 tại một trường học.

Quốc gia đầu tiên cảnh báo về biến chủng mới là Pháp. Theo tờ Le Telegramme của Pháp, nó đã lây nhiễm cho 24 trường hợp trong một trường học (18 trẻ em và 6 người lớn) ở vùng Brittany vào tháng 10 khiến ngôi trường này phải đóng cửa.

Sau khi phong tỏa và xét nghiệm khoảng 500 người liên quan, giới chức y tế không phát hiện thêm ca lây nhiễm biến chủng B.1.640.

Phát hiện biến chủng nCoV hoàn toàn mới, 24 trường hợp nhiễm bệnh ở Pháp. Ảnh minh họa

Tình hình dịch tại trường học trên đã được kiểm soát từ ngày 26/10, song, Cơ quan Y tế Công cộng Pháp cho biết B.1.X vẫn đang được theo dõi chặt chẽ.

Theo GS Cyrille Cohen, Đại học Bar-Ilan, Pháp, biến chủng B.1.X có một số đột biến hoàn toàn mới.

Điều khiến giới chuyên gia nước này đặc biệt chú ý là protein đột biến cho phép virus bám vào tế bào người và lây nhiễm bị loại bỏ một số thành phần so với chủng gốc.

Ban đầu, khi xác định chuỗi lây nhiễm tại trường học ở Brittany, giới chức y tế vẫn cho rằng các bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta - chủng ưu thế tại Pháp lúc này. Tuy nhiên, khi 4 mẫu bệnh phẩm được gửi tới phòng thí nghiệm, nhóm chuyên gia phát hiện giải trình tự gene mà họ có được hoàn toàn khác.

Biến chủng mới không có 3 đột biến tiêu biểu của chủng Delta là E484K, E484Q và L452R. Ngược lại, giải trình tự gene của chúng cho ra những đột biến mới mà họ vẫn chưa thể gọi tên chính xác.

Những dữ liệu ít ỏi mà nhóm chuyên gia tại Pháp biết được lúc này là các đột biến nằm ở protein cho phép virus “mở khóa” tế bào để xâm nhập vào cơ thể.

Đây không phải là lần đầu tiên thế giới ghi nhận các biến chủng nCoV mới. Trong vài tháng qua, hàng trăm đột biến đã xuất hiện trên toàn cầu và gây ra các chùm lây nhiễm lẻ tẻ ở các quốc gia.

Tuy nhiên, các bằng chứng hiện tại cho thấy hầu như không biến chủng nào nguy hiểm như Delta.

Câu hỏi đặt ra là liệu sự thiếu hụt của một số đột biến trong giải trình tự gene của B.1.640 có khiến nCoV lây nhiễm ít đi không hay sẽ khiến nó hình thành chủng mới đáng gờm hơn.

Nhóm chuyên gia tại Pháp đang cố gắng truy tìm nguồn gốc của chùm lây nhiễm mới. Theo Le Telegramme, trên toàn thế giới, ngoài Pháp, chỉ có khoảng 25-30 trường hợp lây nhiễm biến chủng này.

Chúng xuất hiện rải rác ở Vương Quốc Anh, Thụy Sĩ, Scotland và Italy. Song, tỷ lệ mắc biến chủng mới tại các quốc gia này vẫn còn khá thấp.

Báo cáo hàng tuần của Q4 Global Forecast, do Economist Intelligence Unit (EIU) công bố đầu tháng 11 nhấn mạnh hầu hết quốc gia phát triển đã tiêm phòng hàng loạt cho người dân, song, những nước đang phát triển có tốc độ rất chậm.

Tại châu Phi, tính đến cuối tháng 10, chỉ có khoảng 6% dân số được tiêm vaccine Covid-19. "Nguyên nhân của tỷ lệ tiêm chủng thấp tại châu lục này là sự chậm trễ kéo dài trong việc cung ứng vaccine Covid-19”, báo cáo của EIU viết.

Đến nay, chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới mới chỉ cung cấp khoảng 400 triệu liều vaccine Covid-19 trên toàn cầu.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-hien-bien-chung-ncov-hoan-toan-moi-24-truong-hop-nhiem-benh-o-phap-post166793.html