Phát hiện bọ biển khổng lồ tại Indonesia
Nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian thuộc Đại học Quốc gia Singapore vừa công bố loài sinh vật biển mới gọi là Bathynomus raksasa.
Loài giáp xác này được biết dưới cái tên là bọ biển (isopod); bộ Isopoda (động vật đẳng túc) bao gồm khoảng 10.000 loài trong các môi trường sống đa dạng trên đất liền và dưới đại dương, chúng có kích thước dài từ vài mm đến gần 500 mm.
Trong số các động vật đẳng túc sống dưới đại dương, chi Bathynomus bao gồm loài lớn nhất; loài bọ biển mới được tìm thấy, xuất hiện ở Ấn Độ Dương vào năm 2018, là một trong những loài Bathynomus lớn nhất từng được thấy trong tự nhiên.
Được đặt tên là Bathynomus raksasa (rakasa theo tiếng Indonesia có nghĩa là “khổng lồ”), loài bọ biển này có chiều dài trung bình khoảng 330 mm. Các nhà khoa học cho biết, đây là loài isopod khổng lồ mới đầu tiên được mô tả trong hơn một thập kỷ và là loài đầu tiên trong số những loài isopod khổng lồ được tìm thấy ở vùng biển gần Indonesia.
Dù lớn hay nhỏ, tất cả các động vật đẳng túc đều có chung nhiều đặc điểm, chẳng hạn như bốn bộ hàm, mắt kép, hai bộ râu và một cơ thể phân đoạn thành bảy phần, mỗi phần có một cặp chân riêng.
Trong số 16 loài Bathynomus được mô tả trước đây, 7 loài được coi là “siêu khổng lồ” - trưởng thành với chiều dài hơn 150 mm và sau đó sẽ phát triển thêm đến 300 mm hoặc lớn hơn.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được Bathynomus raksasa trong chuyến thám hiểm đa dạng sinh học biển sâu Nam Java; họ đã thu thập được hai mẫu vật, một đực và một cái, ở độ sâu đại dương từ 950 và 1.260 mét. Hình dạng độc đáo của khiên đầu và các đoạn bụng của Bathynomus raksasa, cũng như số lượng lớn gai (11 đến 13 gai) trên bụng, cho thấy loài siêu khổng lồ này là một loài mới.
Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian thuộc Đại học Quốc gia Singapore, trong chuyến thám hiểm năm 2018, các nhà khoa học đã rất phấn khích khi phát hiện ra loài động vật đẳng túc đáy biển chi Bathynomus, còn được gọi là “Darth Vader của Đại dương”, tên một trong những nhân vật phản diện trong phim Chiến tranh giữa các vì sao.
Chuyên gia sưu tập bảo tàng và cũng là thành viên của đoàn thám hiểm Muhammad Dzaki Bin Safaruan đã giơ sinh vật isopod khổng lồ lên khi ở trên tàu nghiên cứu của Indonesia là Baruna Jaya VIII, trong một bức ảnh được bảo tàng chia sẻ trên Instagram năm đó.
Đồng tác giả nghiên cứu, Helen Wong, nhà nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm biển quốc gia đảo St. John, thuộc Viện Khoa học Biển nhiệt đới tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Việc xác định loài mới này là dấu hiệu cho thấy chúng ta biết rất ít về các đại dương. Chắc chắn còn rất nhiều điều để chúng ta khám phá về đa dạng sinh học ở vùng biển sâu trong khu vực của chúng tôi”.
Một nhóm các nhà khoa học khác vào năm 2019 đã chụp được bằng chứng hiếm hoi và đáng sợ về hành vi của các sinh vật isopod ở dưới đáy biển, theo Live Science đã đưa tin trước đó. Video dưới nước cho thấy một nhóm bọ biển khổng lồ này đang xé xác và ăn thịt một con cá sấu mà các nhà nghiên cứu đã nhấn chìm ở vịnh Mexico để quan sát tập tính ăn thịt của chúng.
Dù tìm thấy rất nhiều sinh vật mới nhưng sau 2 năm từ cuộc kháo sát, loài Bathynomus raksasa mới được công bố chính thức.