Phát hiện ca dương tính bạch hầu tại Bắc Giang
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản khẩn về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu sau khi phát hiện ca dương tính trên địa bàn.
Trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang (CDC Bắc Giang), ngày 07/7/2024, trường hợp M.T.B. (18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu (đây là 01 trong 02 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).
Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa cách ly ngay ca bệnh, thực hiện xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao. Tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, thực hiện cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính (mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh).
Đồng thời, điều trị dự phòng bằng kháng sinh 07 ngày và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang làm các thủ tục chuyển ngay ca bệnh trên lên Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương (do hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không còn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu).
Chuẩn bị đầy đủ khu vực cách ly, thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch, sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh Bạch hầu xảy ra. Tăng cường tuyên truyền về các biện pháp, phòng chống bệnh bạch hầu. Giám sát chặt chẽ các trường hợp đi, đến, về từ vùng đang có dịch Bạch hầu. Phát hiện sớm các ca nhiễm/nghi nhiễm, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý triệt để các trường hợp không để dịch bệnh bạch hầu lây lan ra diện rộng.
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trong quá trình chẩn đoán, quản lý, điều trị ca bệnh bạch hầu. Đảm bảo đầy đủ các điều kiện sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị các ca bệnh Bạch hầu diễn biến nặng từ tuyến dưới chuyển lên.
Cùng với đó, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, các khu công nghiệp chỉ đạo các trạm y tế trên địa bàn khẩn trương rà soát các đối tượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 3 mũi vắc xin BHHG-UV-VGB- Hib và DPT4, tổ chức tiêm bù, tiêm vét vào các buổi tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo an toàn.
Tổ chức tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Bạch hầu theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm. Thực hiện nghiêm báo cáo, khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang tăng cường công tác giám sát phòng chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các địa phương có ca bệnh. Hướng dẫn, hỗ trợ cho Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa trong việc điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly, xử lý môi trường.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các dấu hiệu nhận biết và các biện pháp, phòng chống bệnh bạch hầu, để người dân có những biện pháp phòng, tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Yêu cầu người dân khi có những triệu chứng như ho, khó thở, sốt, ... đến ngay trạm y tế để được khám và tư vấn, chuyển tuyến kịp thời, không được tự ý điều trị tại nhà. Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh bạch hầu trong nước và trên địa bàn tỉnh, kịp thời tham mưu với lãnh đạo Sở Y tế các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu.
Triệu chứng nhận biết bệnh bạch hầu
Tùy vào vị trí vi khuẩn gây bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.
- Bệnh bạch hầu mũi trước: Bệnh nhân sổ mũi, chảy ra chất mủ nhầy đôi khi có máu, có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
- Bệnh bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2 - 3 ngày xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò. Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân này có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.
- Bạch hầu thanh quản: Là thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc có thể gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.
Ngoài những vị trí kể trên, vi khuẩn còn có thể gây bệnh ở một số vị trí khác nhưng những trường hợp này rất hiếm và có tiến triển bệnh nhẹ.