Phát hiện cá mù hang động tại di sản Phong Nha – Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô
Ngày 25-7, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị), cho biết, các chuyên gia bảo tồn đã phát hiện loài cá không mắt, sống trong các dòng sông ngầm thuộc cụm di sản xuyên biên giới Phong Nha – Kẻ Bàng (Việt Nam) và Hin Nậm Nô (Lào).
Tạm thời, loài này được đặt tên là cá mù hang động, một dạng sinh vật đặc hữu của môi trường hoàn toàn tối, nơi ánh sáng không thể len lỏi qua những lớp đá vôi hàng trăm triệu năm tuổi.

Cá mù hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô
Cá mù hang động không có mắt, đặc điểm điển hình của các loài sinh vật tiến hóa trong môi trường thiếu ánh sáng kéo dài. Thay vì thị giác, chúng phát triển mạnh khả năng cảm nhận rung động và áp lực nước thông qua hệ thống vây, râu cực kỳ nhạy bén, từ đó xác định vị trí con mồi, dòng chảy và vật thể trong môi trường hang động khắc nghiệt.
Những cá thể đầu tiên được ghi nhận sinh sống tại hang Sơn Đoòng, hang Va, hang Hung Thòng thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Trong khi đó, phía Lào, hang Xê Băng Fai thuộc khu vực Hin Nậm Nô cũng là nơi phát hiện dấu tích của loài cá mù tương tự.

Cá mù tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng
Theo ông Thái, việc loài cá mù được tìm thấy ở cả hai phía biên giới Việt – Lào là một chỉ dấu quan trọng khẳng định tính liên kết hệ sinh thái giữa hai di sản liền kề. Cả Phong Nha – Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô đều nằm trong khối đá vôi cổ đại hàng trăm triệu năm tuổi, nơi hình thành mạng lưới sông ngầm, hang động phức tạp và khép kín, tạo điều kiện hình thành các quần thể sinh vật biệt lập với thế giới bên ngoài.
Hiện tại, các nhà khoa học Mỹ đang phối hợp với chuyên gia địa phương tiến hành lấy mẫu cá mù từ hai hệ thống hang động để giải mã ADN, nhằm xác định chúng có thuộc cùng một loài hay là hai nhánh tiến hóa riêng biệt, điều này không chỉ có ý nghĩa trong phân loại sinh học mà còn hé lộ quá trình tiến hóa biệt lập trong các hang động kín.
Nếu được xác định là cùng loài, đây sẽ là một trong số ít sinh vật được công nhận là loài đặc hữu của di sản xuyên biên giới, có ý nghĩa cực lớn đối với cả bảo tồn đa dạng sinh học.