Phát hiện đàn đá nhạc cụ cổ xưa tại Bình Thuận
Đàn đá là một nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam và là một trong những loại nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người. Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau.
Phát hiện đàn đá nhạc cụ cổ xưa
Năm 1949, bộ đàn đá đầu tiên phát hiện ở Tây nguyên, đến đầu thập niên 90 phát hiện nhiều bộ đàn đá, nổi tiếng đó là các bộ đàn đá Khánh Sơn, Bắc Ái, Tuy An, Bình Đa…
Tại Bình Thuận, thời điểm năm 2000 Sở Văn hóa – Thông tin (nay Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch), Bảo tàng Bình Thuận phối hợp Trung tâm Khảo cổ - Viện Khoa học xã hội Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (nay Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) và cùng nhà khảo cổ học Nhật Bản Nishimura Masarani khai quật di tích tại thôn 3 xã Đa Kai phát hiện 1 bộ đàn đá 5 thanh nguyên vẹn. Tiếp đến năm 2010 và 2012, nhân dân thôn 1 xã Đa Kai (Đức Linh) trong lúc làm vườn, đào hố trồng cây phát hiện thêm 2 bộ đàn đá. Tất cả 3 bộ đàn đá phát hiện ở Đa Kai đều có 5 thanh, kích thước nhỏ thuộc văn hóa Đồng Nai, có niên đại khoảng 3.000 – 3.500 năm cách ngày nay. Đặc biệt năm 2006 phát hiện 1 bộ đàn đá 8 thanh, có kích thước lớn, thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh.
Cụ thể, trong quá trình gia đình ông Nguyễn Văn Thành (thôn Phú Khánh, xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam) san lấp đất nâng nền nhà trong phạm vi 300m2 đã phát hiện nhiều mộ chum cùng với đó là bộ đàn đá 8 thanh, được chôn ngay ngắn xếp chồng lên nhau, 4 thanh lớn nằm lớp dưới và 4 thanh nhỏ nằm ở lớp trên quay về hướng Bắc Nam.
Qua tìm hiểu, nghiên cứu của các nhà khoa học và cán bộ chuyên môn Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cho thấy cả 8 thanh đá có nhiều dấu vết ghè, đảo chỉnh sửa rất công phu: Thanh dài nhất là 95cm, rộng 17cm, nặng 12,5 kg; các thanh khác có chiều dài ngắn dần đến thanh cuối cùng là 52,5 cm, nặng 4,5 kg. 2 đầu các thanh đàn đá dày và hơi phình to, ở giữa eo nhỏ lại, mỏng. Chỉ cần gõ nhẹ là nghe rất rõ âm thanh từ thanh đá phát ra rất thanh thoát, vang xa, mỗi thanh có âm vang trầm, bỗng khác nhau. Điều đặc biệt là bộ đàn đá Phú Khánh được ghè, đẽo công phu, đạt đến độ tinh xảo cao và đây được cho là bộ đàn đá quý hiếm phát hiện đầu tiên trong văn hóa Sa Huỳnh tại Bình Thuận, có khung niên đại nằm trong khoảng 2.500 – 3.000 năm cách ngày nay, có nhiều đặc trưng văn hóa gần gũi với các di tích phát hiện ở miền Đông Nam bộ như: Bình Đa, Dốc Chùa, Mỹ Lộc, Suối Linh…
Hiện nay, 2 bộ đàn đá đặc biệt quý hiếm nguyên vẹn được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, và 2 bộ đàn đá có giá trị lịch sử, văn hóa đang được lưu giữ đảm bảo, bảo quản khoa học trong kho bảo tàng.
Âm thanh của đàn đá vừa sống động, vừa vui nhộn và trầm lắng, cả nhịp nhàng lẫn du dương khó tả… Khi nghệ nhân diễn tấu, ở thang âm cao, âm thanh thánh thót như tiếng chim hót trong rừng sâu vang vọng; ở thang âm trầm, âm vang như khúc du dương của dòng thác đổ giữa núi rừng.
Để hiểu rõ hơn về nguồn gốc xuất xứ, thang âm đàn đá, mời du khách đến tham quan, thưởng thức âm hưởng của âm thanh đàn đá trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận (số 4 Bà Triệu, TP. Phan Thiết).