Phát hiện dầu thải trong nước nhưng không ngăn chặn, không báo cáo

Một số cán bộ của Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có phát hiện việc từ sáng 08/10/2019, nhưng đã không báo cáo, không ngăn chặn.

Ngày 15/10, tại cuộc giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện của công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco); công ty nước sạch Hà Đông; công ty Viwaco và các sở ngành liên quan của Thành phố Hà Nội đã thông tin xung quanh việc nước sinh hoạt của người dân tại các khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… có mùi khét nồng nặc, có váng dầu trong những ngày qua.

Ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trao đổi thông tin đến báo chí. Ảnh: Nguyễn Dũng

Ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trao đổi thông tin đến báo chí. Ảnh: Nguyễn Dũng

Viwasupco đã không có bất cứ hành vi nào ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu theo quy định

Đại diện cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã trình bày thông tin đến báo chí.

Theo kết quả kiểm tra do đoàn công tác của Thành phố Hà Nội thực hiện đã xác định, tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm. Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy).

Một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có phát hiện việc này từ sáng ngày 08/10/2019, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như Thành phố Hà Nội;

Cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Tổ công tác đã kiểm tra việc vận hành lọc nước của Nhà máy vào các ngày 11, 12, 13, 14/10/2019. Toàn bộ hệ thống của nhà máy nước vẫn hoạt động bình thường.

Các cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở Y tế Thành phố đã lấy nhiều mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để xét nghiệm.

Đặc biệt, căn cứ vào kết quả xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Thành phố theo QCVN 01:2009/BYT xác định:

Các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).

Các chỉ tiêu giám sát nước độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát. Chỉ tiêu mùi vị là không đạt.

Từ kết quả xác minh, kết quả giám định xác định mùi “khét” có tại trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra. Kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo (kết quả xét nghiệm có hàm lượng 0,8mg/l- Nằm trong giới hạn cho phép theo TCVN).

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết hàm lượng Styren vượt 1,3-3,65 lần, cao dần về phía nhà máy và thấp dần về phía nhà dân, nhưng vẫn là không đảm bảo chất lượng.

"Đến nay không có tài liệu chính thống nói về ảnh hưởng của chất này tới sức khỏe”, ông Hạnh nói.

Ông Hạnh cho biết ngày 14/10 Sở đã họp với các viện, thống nhất tiếp tục có giám sát toàn diện hơn, tức là lấy mẫu nhiều hơn ở cả nhà máy, đường ống và hộ gia đình.

Ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco). Ảnh: Hà Nội Mới

Ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco). Ảnh: Hà Nội Mới

Chỉ đạo vớt dầu thải, lãnh đạo Viwasupco vẫn bảo: "Lấy cớ gì dừng cấp nước!"

Tại cuộc họp báo, các nhà báo đặt rất nhiều câu hỏi cho ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) xung quanh vấn đề trách nhiệm và không báo cáo sự việc.

Ông Tốn cho rằng: "Chúng tôi ở trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thì có báo cáo tới cơ quan ở Hòa Bình chứ không báo cáo các cơ quan ở Hà Nội”.

Ông Tốn đính chính rằng công ty phát hiện dầu thải đổ trộm hôm 9/10 chứ không phải 8/10.

"9h ngày 9/10 mới phát hiện có dầu tràn vào hồ Đầm Bài, khi đó mới thuê người cùng công nhân vớt dầu, dùng phao ngăn dầu lại. Chúng tôi thuê cả người dân nên người dân đều biết", ông Tốn khẳng định.

Sau đó, lực lượng của công ty tìm ngược lại nguồn dầu mới phát hiện dầu đổ trộm ở khu vực núi, đã mua cát xử lý tạm thời.

"Công ty cũng gọi điện cho chính quyền địa phương xuống lập biên bản nhưng sáng hôm sau cơ quan chức năng mới xuống.

Sở dĩ công ty làm báo cáo ngày 10/10 vì trước đó tập trung lực lượng vớt dầu, kể cả bộ phận kế toán cũng ra xử lý dầu tràn. Công ty dừng sản xuất đến 12h ngày 9/10", ông Tốn cho hay.

Ông Tốn nói: “Lúc đó thâm tâm của tôi là 80% cho dừng cấp nước vì nghĩ nước có vấn đề, nước đó nhà tôi vẫn dùng.

Nhưng tại sao vẫn cấp nước, vì ngày 10/10 phòng thí nghiệm xét nghiệm chỉ tiêu A và xác định không có vấn đề gì. Tôi cũng tham khảo một số chuyên gia, lúc đó họ phản biện cắt nước thì lý do gì, bảo ô nhiễm thì chứng cứ đâu?

Sau đó công ty lấy mẫu nước đi phân tích chỉ tiêu B và C, nhưng phân tích phải 10-20 ngày. Quan trọng nhất là lúc đó lấy cớ gì dừng cấp nước, ảnh hưởng rất nhiều tới người dân.

Tôi hội ý lãnh đạo và quyết định vẫn cấp nước. Có người bảo báo cáo Thành phố nhưng báo cáo cái gì khi chất lượng nước theo chỉ tiêu A vẫn đảm bảo".

Khi được đặt câu hỏi có phải vì lợi nhuận mà công ty biết có dầu ở đầu nguồn nước nhưng vẫn sản xuất, ông Tốn nói: “Công ty cũng không phải đặt lợi nhuận lên trên hết, trong 10 năm phục vụ người dân thủ đô, chúng tôi đặt mục tiêu phục vụ người dân lên trên hết. Trước sự việc này công ty có lỗi”, ông Tốn nói.

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/suc-khoe-hoc-duong/phat-hien-dau-thai-trong-nuoc-nhung-khong-ngan-chan-khong-bao-cao-post203423.gd