Phát hiện dấu tích 'vườn thượng uyển' tại Hoàng Thành Thăng Long
Thêm một cuộc khai quật nữa vừa hoàn tất tại Di chỉ khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long. Với số lượng lớn di vật hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật, kiến trúc được tìm thấy, cuộc khai quật năm 2019 phần nào giải đáp những câu hỏi trước đó còn bỏ ngỏ, đồng thời đưa đến những nhận thức mới cho giới nghiên cứu về quy mô, diện mạo, tính liên tục của Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long xưa đặc biệt là Khu vực Chính điện Kính Thiên.
Cuộc khai quật được thực hiện từ ngày 10/7/209 đến nay dưới sự chủ trì của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam với tổng diện tích 990m2.
Kiến trúc cống ngầm kiên cố thời Đại La
PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) cho biết, trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Đại La (tiền Thăng Long) khoảng thế kỷ thứ 8-9, dấu tích minh chứng rõ nhất là cống nước xây bằng gạch khá công phu chạy theo hướng Bắc Nam. Lớp văn hóa này hình thành trực tiếp trên nền đất sinh thổ. PGS.TS Tống Tín khẳng định, địa tầng cho thấy, trước thế kỷ 8-9, ở đây chưa hề có di tích nào. Thế kỷ 10 tuy không hình thành tầng văn hóa riêng biệt nhưng có thể đoán khu vực này cũng có các dấu vết kiến trúc thông qua các đầu ngói ống trang trí hoa sen.
Cũng trong đợt khai quật 2019, tại tầng niên đại thời Trần, xuất lộ một con lạch nhỏ hình thành tự nhiên chảy theo hướng Đông Tây, dấu tích này đã cắt phá hầu hết các nền đất thời Lý và thời tiền Thăng Long nơi con lạch chạy qua. Ở phía Nam con lạch này có dấu tích kiến trúc cống nước ngầm, cống nước ngầm này chảy theo chiều Bắc Nam có xu hướng thoát nước xuống lạch nước này Dấu tích nền móng thời Trần khá dày. Đến thời Lê sơ con lạch này được lấp toàn bộ, đồng thời toàn bộ mặt bằng khu vực này được san lấp để xây dựng các kiến trúc móng tường, móng cột. Dấu tích san lấp nền móng thời Lê sơ xuất hiện trên diện rộng, bao trùm hết cả khu vực hố khai quật.
Thời Lê Trung hưng có lớp móng nền có diện tích tương đồng với móng nền thời Lê sơ, đồng thời mật độ xây dựng nhiều, có hệ thống kiến trúc có móng cột kích thước rất lớn và hệ thống sân vườn khá quy củ. Khoảng cuối thời Lê Trung hưng sân vườn bị bỏ nhường chỗ cho hệ thống ao/ hồ được xây dựng to lớn công phu với hai tường bằng gạch vồ (lòng ao/hồ rộng 5m), đường nét uốn lượn, khá cầu kỳ. Thời Nguyễn toàn bộ dấu tích nói trên được san lấp để xây dựng các kiến trúc thời Nguyễn. Lần đầu tiên dấu tích kiến trúc có móng cột thời Nguyễn xuất hiện ở khu vực điện Kính Thiên được xây dựng quy mô và cẩn thận. Cuối cùng đến lượt các kiến trúc Nguyễn bị phá hủy thay vào đó là các kiến trúc thời Pháp thuộc.
Phát lộ nhiều di vật quý giá của các triều đại
Cuộc khai quật đã tìm thấy nhiều di vật quý trong đó điển hình là một số viên gạch bìa in hình hoa văn ô trám (TK 3-6), ngói âm dương xám, đầu ngói hoa sen và bát gốm men màu (TK 7-9). Thời Thời Đinh- Tiền Lê là một số đầu ngói màu đỏ có hình cánh sen.
Đặc biệt, tại địa tầng thời Lý, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các chân tảng đá cát, mảnh lá đề hình rồng cỡ lớn, mảnh mào tượng rồng cỡ lớn bằng đất nung cùng một số mảnh gạch lát hoa sen, hoa cúc. Thời Trần có các loại hình di vật như: gạch in chữ Vĩnh Ninh trường, gạch vuông, ngói sen, ngói mũi lá, gốm men nhiều loại của Việt Nam, một số ít của Trung Quốc. Số lượng hiện vật thời Trần được tìm thấy khá nhiều tại lần khai quật này.
Địa tầng thời Lê Sơ và thời Mạc có nhiều mảnh ngói rồng tráng men vàng, men xanh cùng với đó là gạch vồ (có viên có chữ), các chân tảng đá đặc trưng của thời Lê Sơ. Số lượng hiện vật thời này khá nhiều, đặc biệt dòng gốm hoa lam thời Lê - Mạc chiếm số lượng lớn (đồ gốm hoa lam vẽ rồng và hoa sen). Thời Lê Trung hưng: Gạch ngói, gạch hộp rỗng trang trí hoa cúc, các loại gốm men. Số lượng mảnh hiện vật thời Lê Trung hưng cũng tương đối nhiều.
Dấu tích sân vườn thời Lê Trung hưng
Việc phát hiện cống nước gạch kiên cố thời Đại La trong đợi khai quật lần này được xem là đặc biệt giá trị, nó chính là minh chứng cho giả thiết, trung tâm của thành Đại La vẫn là trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.
GS Nguyễn Quang Ngọc (Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô) nhấn mạnh, việc phát hiện ra dấu tích văn hóa Lý và đặc biệt là dấu tích văn hóa trước Lý (hay Tiền Thăng Long) ở khu vực này là rất quan trọng. Những dấu tích kiến trúc Tiền Thăng Long có thể là những mảnh còn sót lại của các điện Nhật Quang, Long Thụy thời kỳ đầu định đô Thăng Long.
PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành) nhận định, kết quả cuộc khai quật năm 2019 đã tiếp tục thu được nhiều phát hiện mới quan trọng, góp phần minh chứng rõ hơn, sâu hơn và toàn diện hơn về các di tích của thời Lê (Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng) ở khu vực này, đồng thời cho thấy rõ khu vực trục trung tâm cũng có nhiều loại hình di tích của các thời kỳ nằm chồng xếp lên nhau, có lịch sử tồn tại liên tục, lâu dài hơn 1300 năm không hề đứt đoạn, từ thời Đại La, Đinh – Tiền Lê đến thời Lý, Trần, Lê. Tuy khai quật trong diện tích nhỏ 990m2, nhưng cuộc khai quật này đã phát hiện được nhiều loại hình di tích và di vật rất đặc sắc của Hoàng thành Thăng Long trong bề dày lịch sử 1.300 năm.
PGS.TS Bùi Minh Trí nhấn mạnh, phát hiện mới về dấu tích kiến trúc sân vườn thời Lê Trung hưng gồm đường đi và hệ thống bồn hoa nằm dọc hai bên đường là đặc biệt quan trọng, minh chứng rõ hơn về trình độ quy hoạch không gian và cảnh quan sân vườn của các công trình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long đương thời. Theo sử cũ trong Hoàng cung Thăng Long có các Vườn Ngự (hay Ngự viên), dành cho nhà vua và hoàng gia dạo chơi, nhưng không có những mô tả cụ thể. Theo đó, phát hiện này gợi cho chúng ta nhiều điều thú vị khi nhận diện và luận bàn về kiến trúc cảnh quan trong chốn Hoàng cung Thăng Long xưa.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) cho biết, các dấu tích kiến trúc phát hiện khá phong phú, đa số được kiến giải hợp lý, định niên đại chuẩn xác thông qua địa tầng và di vật. Đặc biệt có 4 phát hiện quan trọng thời Lê Trung hưng: sân nền. ao/hồ, móng cột và cống nước giúp ích nhiều để nhận diện không gian Kính Thiên cũ được tôn tạo. Bên cạnh đó, di vật đầy đủ từ thời tiền Thăng Long đến Lê Trung hưng (di vật thời Lê Trung hưng đặc biệt hơn di vật khai quật các năm trước). Đây là những tư liệu quý giúp cho việc khôi phục không gian Điện Kính Thiên.