Phát hiện 'gây sốc' về các tinh thể màu vàng lục trên Sao Hỏa

Xe tự hành Curiosity tình cờ chạy qua và làm nứt một tảng đá trên Sao Hỏa, để lộ ra những tinh thể màu vàng lục chưa từng thấy trước đây trên hành tinh đỏ: đá làm từ lưu huỳnh nguyên chất.

Đây là phát hiện bất thường nhất từ trước đến nay của xe tự hành Curiosity trên Sao Hỏa. "Tôi nghĩ đây là phát hiện kỳ lạ nhất trong toàn bộ sứ mệnh và cũng là bất ngờ nhất", nhà khoa học Ashwin Vasavada của dự án Curiosity tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực (JPL) của NASA cho biết.

 Xe tự hành Curiosity của NASA tình cờ chạy qua một tảng đá và làm nứt nó ra, để lộ những tinh thể màu vàng vào ngày 30/5. Ảnh: NASA/JPL

Xe tự hành Curiosity của NASA tình cờ chạy qua một tảng đá và làm nứt nó ra, để lộ những tinh thể màu vàng vào ngày 30/5. Ảnh: NASA/JPL

Xe tự hành Curiosity khám phá kênh Gediz Vallis, một rãnh quanh co dường như được hình thành cách đây 3 tỷ năm bởi sự kết hợp của nước chảy và mảnh vụn. Kênh Gediz Vallis là một phần của Núi Sharp cao 5 km. Xe tự hành đã leo lên ngọn núi này kể từ năm 2014.

Xe tự hành nhìn thấy những viên đá trắng ở đằng xa, và các nhà khoa học của sứ mệnh muốn nhìn kỹ hơn. Những người điều khiển xe tự hành tại JPL đã quay 90 độ để đưa camera của xe tự hành vào đúng vị trí chụp được bức tranh ghép cảnh quan xung quanh.

Sáng ngày 30/5, Vasavada và nhóm của ông đã xem bức tranh do Curiosity ghi lại và thấy một tảng đá vụn nằm giữa các vết bánh xe của xe tự hành. Một bức ảnh gần hơn về tảng đá đã làm rõ phát hiện "gây sốc", ông nói.

 Ảnh cận cảnh của tảng đá có biệt danh "Hồ Tuyết", với hình dạng tương tự tảng đá bị xe tự hành nghiền nát có chứa nguyên tố lưu huỳnh. Ảnh: NASA/JPL

Ảnh cận cảnh của tảng đá có biệt danh "Hồ Tuyết", với hình dạng tương tự tảng đá bị xe tự hành nghiền nát có chứa nguyên tố lưu huỳnh. Ảnh: NASA/JPL

Đá lưu huỳnh thường được Vasavada mô tả là "kết cấu đẹp, trong mờ và giống như pha lê", nhưng quá trình phong hóa trên Sao Hỏa về cơ bản đã làm lớp bên ngoài của đá bị cát hóa, chủ yếu bao gồm các sắc thái màu cam.

Vasavada cho biết các thành viên trong nhóm đã bất ngờ hai lần, một lần khi họ nhìn thấy "kết cấu và màu sắc tuyệt đẹp bên trong" tảng đá, và lần thứ hai khi họ sử dụng các thiết bị của Curiosity để phân tích tảng đá và nhận được dữ liệu cho thấy đó là lưu huỳnh nguyên chất.

Lưu huỳnh nguyên chất chỉ hình thành trong một số điều kiện nhất định trên Trái đất, chẳng hạn như quá trình núi lửa hoặc trong suối nước nóng hoặc lạnh. Tùy thuộc vào quá trình, các khoáng chất khác nhau được tạo ra cùng lúc với lưu huỳnh.

Ngày 18/6, nhóm đã lấy mẫu một tảng đá lớn từ kênh Gediz Vallis có biệt danh là "Mammoth Lakes" (Hồ Voi ma mút). Vasavada cho biết, một phân tích bụi của tảng đá, được thực hiện bằng các thiết bị trong tàu thám hiểm, đã tiết lộ nhiều loại khoáng chất hơn bao giờ hết trong suốt sứ mệnh.

"Chúng tôi nhìn thấy hầu hết mọi khoáng chất mà chúng tôi từng thấy trong toàn bộ nhiệm vụ, tất cả đều nằm trong tảng đá này", ông nói.

Vasavada cho biết: "Có thể phiến đá này đã trải qua nhiều loại môi trường khác nhau và chúng đang chồng chéo lên nhau, và bây giờ chúng ta phải làm sáng tỏ điều đó".

Xe tự hành Curiosity tiếp tục khám phá khu vực này để tìm kiếm thêm nhiều điều bất ngờ và sau khi di chuyển, xe tự hành sẽ hướng về phía tây để di chuyển dọc theo ngọn núi, thay vì đi thẳng lên trên, để tìm kiếm các đặc điểm địa chất hấp dẫn hơn.

Hoài Phương (theo NASA, CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-hien-gay-soc-ve-cac-tinh-the-mau-vang-luc-tren-sao-hoa-post304415.html