Phát hiện giếng cổ xoắn ốc độc đáo ở Bắc Giang, chuyên gia nói gì?

Trong quá trình cải tạo giếng tại khu di tích đình chùa Hạc Lâm (Bắc Giang), người dân phát hiện một giếng cổ độc đáo kè gỗ xoắn ốc. Phát hiện này hé lộ kỹ thuật đào giếng tiên tiến và đời sống văn minh xưa.

Giếng cổ được phát hiện tại thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang

Giếng cổ được phát hiện tại thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang

Cấu trúc độc đáo hé lộ kỹ thuật đào giếng tiên tiến

Giếng được xác định nằm trong khuôn viên di tích Hạc Lâm, nhiều khả năng có niên đại từ thời Lê, khoảng thế kỷ XVIII. Dù phần miệng giếng đã bị hư hỏng – vốn trước kia có thể được làm bằng đá như nhiều giếng cổ khác trong khu vực – nhưng phần thân giếng vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt, kết cấu gỗ xoắn ốc được gia cố chắc chắn khiến giếng trở nên khác biệt hoàn toàn so với những kiểu giếng cổ truyền thống.

Toàn cảnh khuôn viên giếng cổ được phát hiện ở Bắc Giang

Toàn cảnh khuôn viên giếng cổ được phát hiện ở Bắc Giang

Theo các chuyên gia, kiểu kết cấu xoắn ốc này cho thấy người xưa đã biết áp dụng kỹ thuật đào giếng khá tiên tiến để đảm bảo sự ổn định của thành giếng và ngăn ngừa hiện tượng sạt lở trong điều kiện địa chất mềm. Việc sử dụng kết cấu gỗ chắc chắn, kết hợp với hình xoắn ốc cho thấy tư duy kỹ thuật cao và sự khéo léo trong xử lý nguồn nước.

Cận cảnh miệng giếng hình vuông, kết cấu theo hình xoắn ốc với các thanh gỗ khớp nối với nhau.

Cận cảnh miệng giếng hình vuông, kết cấu theo hình xoắn ốc với các thanh gỗ khớp nối với nhau.

Người dân ở xã Hương Lâm cho biết: giếng cổ từng là nguồn nước sinh hoạt chính của làng trong nhiều thế hệ. Tuy nhiên, sau khi hệ thống cấp nước hiện đại được triển khai, giếng dần bị lấp đi theo thời gian và chỉ được phát hiện lại trong lần cải tạo gần đây.

Miệng giếng cổ được nhìn từ trên cao.

Miệng giếng cổ được nhìn từ trên cao.

Qua khảo sát ban đầu, giếng có dạng hình vuông, được kè gỗ chắc chắn ở cả bốn mặt – một kiểu cấu trúc hiếm gặp ở đồng bằng Bắc Bộ, nơi trước đây chủ yếu đào giếng mạch ngang ở tầng nước nông, vốn dễ bị nhiễm bẩn. Trong khi đó, giếng cổ Hương Lâm có đặc điểm của giếng mạch đứng, khai thác nước từ tầng sâu hơn, đảm bảo độ trong sạch và ổn định hơn về chất lượng.

Các mạch nước vẫn chảy ra ở thành và đáy giếng.

Các mạch nước vẫn chảy ra ở thành và đáy giếng.

Tiến sĩ Phạm Văn Triệu – chuyên gia khảo cổ học lịch sử – nhận định: “Cấu trúc vuông với hệ kè gỗ bốn bên vừa giúp thành giếng ổn định, vừa có tác dụng lọc tự nhiên, ngăn chặn nước bẩn từ các tầng đất nông thẩm thấu vào.” Ông cũng cho rằng đây là một ví dụ tiêu biểu cho thấy trình độ kỹ thuật và sự hiểu biết của cư dân cổ trong việc khai thác và bảo vệ nguồn nước.

Không gian tín ngưỡng gắn bó mật thiết với đời sống làng xã

Giếng cổ không chỉ đơn thuần là một công trình kỹ thuật, mà còn gắn bó sâu sắc với đời sống tâm linh và sinh hoạt cộng đồng. Giếng được nằm trong quần thể đình – chùa Hạc Lâm vốn được xây dựng theo lối bố cục truyền thống “tiền thần hậu Phật”, trong đó ngôi đình nằm phía trước và chùa nằm phía sau. Một tấm bia cổ ghi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 (1766) vẫn còn được lưu giữ tại đây, khẳng định bề dày lịch sử của di tích.

Cấu trúc hình vuông của miệng giếng nhìn từ xa.

Cấu trúc hình vuông của miệng giếng nhìn từ xa.

Theo Tiến sĩ Triệu, nguồn nước giếng nhiều khả năng từng được sử dụng trong các nghi lễ làng, như nấu cơm, nấu xôi làm cỗ cúng, hoặc phục vụ các lễ tắm tượng trong chùa. “Với người xưa, nước giếng không chỉ để dùng mà còn mang tính thiêng. Việc gìn giữ, bảo vệ giếng như một phần linh hồn của làng là điều rất phổ biến trong văn hóa truyền thống,” ông chia sẻ.

Hướng tới nghiên cứu chuyên sâu và bảo tồn di sản

Các chuyên gia cho rằng để xác định chính xác niên đại và giá trị của giếng cổ, cần tiến hành lấy mẫu gỗ để phân tích carbon phóng xạ (C14) cũng như thực hiện các nghiên cứu liên ngành kết hợp khảo cổ, địa chất và lịch sử – văn hóa.

 Các mẫu gỗ trong giếng sẽ được phân tích chuyên sâu để xác định niên đại của giếng.

Các mẫu gỗ trong giếng sẽ được phân tích chuyên sâu để xác định niên đại của giếng.

Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức khảo sát chi tiết, khai quật thăm dò và lập hồ sơ bảo tồn. Đây là cơ hội quý để làm sáng tỏ kỹ thuật xây dựng và khai thác nguồn nước của người Việt xưa, đồng thời góp phần bảo tồn một di sản văn hóa – kỹ thuật mang đậm dấu ấn tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Trần Liên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/phat-hien-gieng-co-xoan-oc-doc-dao-o-bac-giang-chuyen-gia-noi-gi-2098855.html