Quy trình bầu chọn Giáo hoàng mới
Giáo hoàng Francis qua đời ngày 21/4 tại nhà sau thời gian chống chọi bệnh tật, thọ 88 tuổi, Hồng y Kevin Ferrell thông báo. Quy trình bầu chọn Giáo hoàng mới được gọi là mật nghị Hồng y, được quy định chi tiết trong Tông Hiến, do Giáo hoàng John Paul II ban hành năm 1996 (những người kế nhiệm có điều chỉnh chút ít).
Giai đoạn Trống Tòa
Khi Giáo hoàng tạ thế, Hồng y Nhiếp chính (Camerlengo) xác nhận sự qua đời và tạm thời quản lý công việc hành chính của Vatican.
Nhiệm vụ chính của Hồng y Nhiếp chính
- Quản lý tài sản và tài chính của Tòa Thánh Vatican khi Giáo hoàng qua đời hoặc từ nhiệm.
- Xác nhận cái chết của Giáo hoàng, thường bằng cách gọi tên thánh rửa tội của Giáo hoàng ba lần bên cạnh giường.
- Niêm phong phòng làm việc và nơi ở của Giáo hoàng để đảm bảo an toàn tài liệu và tài sản.
- Tổ chức quản lý hằng ngày của Vatican trong thời gian Trống Ngôi, nhưng không có quyền quyết định về giáo lý hay bổ nhiệm quan chức mới.
Hồng y Nhiếp chính giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sự liên tục của Vatican trong thời gian chờ bầu chọn Giáo hoàng mới.
Tất cả các lãnh đạo của các bộ phận tại Vatican đều mất chức vụ, ngoại trừ Hồng y Nhiếp chính và Chánh Tòa Ân giải Tối cao (Major Penitentiary) - hai người vẫn tiếp tục một số chức năng hạn chế. Tòa Ân Giải Tối cao là một trong ba tòa án của Giáo triều Vatican, chuyên giải quyết các vấn đề liên quan ân xá, ân giải và những tội đặc biệt nghiêm trọng mà chỉ Tòa Thánh mới có quyền tha thứ.
Năm 2005, khi Giáo hoàng John Paul II qua đời, Hồng y Nhiếp chính Eduardo Martínez Somalo xác nhận sự qua đời và quản lý tài sản của Giáo hội trong giai đoạn Trống Tòa.
Chuẩn bị cho Mật nghị Hồng y
Một thời gian 9 ngày để tang được cử hành với các Thánh lễ và lời cầu nguyện hằng ngày.
Hồng y đoàn tổ chức tang lễ và chuẩn bị cho Mật nghị. Chỉ những Hồng y dưới 80 tuổi mới được quyền bỏ phiếu.
Năm 2013, khi Giáo hoàng Benedict XVI từ nhiệm, Mật nghị Hồng y vẫn diễn ra theo quy trình tương tự khi Giáo hoàng qua đời. Có 115 Hồng y cử tri tham gia Mật nghị sau khi ngài từ nhiệm.

Giáo hoàng John Paul II và Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2000. Ảnh: Kremlin.ru.
Giáo hoàng Francis sinh ngày 17/12/1936 trong một gia đình gốc Ý tại thủ đô Buenos Aires của Argentina). Tên khai sinh của ngài là Jorge Mario Bergoglio.
Bắt đầu Mật nghị
Các Hồng y tuyên thệ giữ bí mật và bước vào Nhà nguyện Sistine, nơi sẽ bị đóng kín hoàn toàn. Họ bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài và không được phép sử dụng bất kỳ thiết bị liên lạc nào.
Nhà nguyện Sistine
Đây là một nhà nguyện nổi tiếng trong Vatican, nằm trong Cung điện Apostolic, nơi ở chính thức của Giáo hoàng. Đây là một trong những công trình nghệ thuật và tôn giáo quan trọng nhất thế giới, được coi là kiệt tác nghệ thuật Phục hưng và là điểm du lịch nổi tiếng, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
- Được xây dựng từ năm 1473 đến 1481 dưới thời Giáo hoàng Sixtus IV, người mà nhà nguyện được đặt theo tên (Sixtus Sistine).
- Nhà nguyện có thiết kế hình chữ nhật đơn giản nhưng trang nghiêm, được sử dụng cho các nghi lễ tôn giáo quan trọng, bao gồm Mật nghị Hồng y bầu chọn Giáo hoàng.
- Trần nhà và bức tường “Ngày phán xét cuối cùng” do thiên tài Michelangelo vẽ. Trần nhà mô tả các cảnh trong Sách Sáng Thế, nổi tiếng nhất là hình ảnh Chúa tạo ra Adam. “Ngày phán xét cuối cùng” trên bức tường phía sau bàn thờ miêu tả cảnh phán xét cuối cùng trong Kinh Thánh.
- Các bức tường bên được trang trí bởi những họa sĩ nổi tiếng khác, như Sandro Botticelli, Pietro Perugino, Domenico Ghirlandaio.
Michelangelo vẽ Chúa tạo ra Adam trên trần Nhà nguyện Sistine. Ảnh: Corbis.
Năm 2005 diễn ra Mật nghị bầu chọn Giáo hoàng Benedict XVI. Các Hồng y bước vào Nhà nguyện Sistine, với các biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn mọi liên lạc bên ngoài, bao gồm việc sử dụng thiết bị gây nhiễu điện tử.
Quy trình bỏ phiếu
Hai lượt bỏ phiếu diễn ra vào buổi sáng và hai lượt vào buổi chiều. Cần đạt được đa số hai phần ba để trúng cử.
Phiếu bầu là bí mật và được đốt sau mỗi vòng bỏ phiếu. Khói đen báo hiệu chưa có kết quả; khói trắng báo hiệu đã chọn được Giáo hoàng mới.
Năm 2005, Giáo hoàng Benedict XVI được bầu trong lượt bỏ phiếu thứ tư vào ngày thứ hai của Mật nghị. Khói trắng xuất hiện, báo hiệu kết quả bầu chọn.
Năm 2013, Giáo hoàng Francis được bầu trong lượt bỏ phiếu thứ năm vào ngày thứ hai. Khói trắng xuất hiện lúc 7h06 tối (giờ địa phương).
Chấp nhận và công bố
Khi một Hồng y đạt đủ số phiếu, ngài sẽ được hỏi: “Ngài có chấp nhận sự bầu chọn hợp quy tắc này làm Giáo hoàng không?”. Nếu chấp nhận, ngài sẽ chọn tên hiệu của mình.
Giáo hoàng mới mặc áo trắng và xuất hiện trên ban công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Peter.
Hồng y Trưởng Phó tế công bố “Chúng ta đã có Giáo hoàng” (“Habemus Papam”) và giới thiệu Giáo hoàng mới.
Năm 2013, Giáo hoàng Francis trở thành Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ. Hồng y Jean-Louis Tauran là người công bố tân Giáo hoàng Francis.

Hồng y Jorge Mario Bergoglio của Buenos Aires, Argentina được bầu làm Giáo hoàng (Giáo hoàng Francis) vào ngày thứ hai của Mật nghị Hồng y (ngày 13/3/2013), trở thành Giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam bán cầu và là người đầu tiên không phải người châu Âu được bầu sau gần 1.300 năm. Ảnh: Usccb.org.
Năm 1978 là một năm đặc biệt của Vatican vì là năm có 3 Giáo hoàng. Giáo hoàng Paul VI qua đời, sau đó Mật nghị Hồng y bầu chọn Giáo hoàng John Paul I, nhưng ngài qua đời chỉ sau 33 ngày. Giáo hoàng John Paul II được bầu ngay sau đó.
Năm 2013 cũng là năm đặc biệt với Tòa thánh với sự từ nhiệm của Giáo hoàng Benedict XVI. Đây là lần từ nhiệm đầu tiên của một Giáo hoàng sau gần 600 năm, dẫn đến Mật nghị Hồng y bầu chọn Giáo hoàng Francis.

Mật nghị Hồng y. Ảnh: Holy Cross Magazine.
Quy trình bầu chọn Giáo hoàng duy trì truyền thống, đồng thời đảm bảo sự chuyển giao quyền lãnh đạo một cách suôn sẻ trong Giáo hội Công giáo. Mỗi Mật nghị Hồng y đều giữ được sự bí mật, trang nghiêm và trách nhiệm thiêng liêng trong việc bầu chọn Giáo hoàng kế vị.

Giáo hoàng Benedict XVI từ nhiệm năm 2013. Đây là lần từ nhiệm đầu tiên của một Giáo hoàng sau gần 600 năm, dẫn đến Mật nghị Hồng y bầu chọn Giáo hoàng Francis. Ảnh: Getty Images.
Vương cung thánh đường Thánh Peter (Phêrô)
Đây là nhà thờ lớn nhất và quan trọng nhất của Giáo hội Công giáo, nằm ở Quảng trường Thánh Phêrô trong Vatican. Đây cũng là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại nhất thế giới và là điểm hành hương quan trọng của người Công giáo.
- Được xây dựng trên nơi cho là nơi chôn cất Thánh Phêrô, một trong 12 tông đồ của Chúa Giêsu và là Giáo hoàng đầu tiên theo truyền thống Công giáo.
- Công trình hiện tại được khởi công năm 1506 dưới thời Giáo hoàng Julius II và hoàn thành vào năm 1626 dưới thời Giáo hoàng Urban VIII.
- Kiến trúc do các kiến trúc sư vĩ đại thời Phục hưng thiết kế, bao gồm Donato Bramante, Michelangelo, Carlo Maderno và Gian Lorenzo Bernini.
- Mái vòm khổng lồ do Michelangelo thiết kế, là một trong những mái vòm lớn nhất thế giới.
- Nội thất và tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô bao gồm: Bàn thờ Tuyên xưng Đức tin (nằm ngay trên lăng mộ của Thánh Phêrô); tán che bàn thờ bằng đồng khổng lồ (do Gian Lorenzo Bernini thiết kế, bức tượng Đức Mẹ sầu bi Pietà (tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Michelangelo, miêu tả Đức Mẹ Maria bế thi hài Chúa Giêsu sau khi được hạ xuống từ thập giá); các bức tượng thánh và tranh khảm tuyệt đẹp trang trí khắp nhà thờ.
Vương cung thánh đường Thánh Phêrô là nơi tổ chức nhiều sự kiện tôn giáo quan trọng, bao gồm các thánh lễ do Giáo hoàng chủ sự. Đây cũng là nơi diễn ra sự kiện “Habemus Papam” (“Chúng ta đã có Giáo hoàng”) khi công bố Giáo hoàng mới trên ban công trung tâm. Đây còn là điểm hành hương của hàng triệu người Công giáo trên toàn thế giới và cũng là điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách tham quan từ khắp nơi.
Bên trong Vương cung thánh đường Thánh Peter (Phêrô). Ảnh: Getty Images.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quy-trinh-bau-chon-giao-hoang-moi-post1719564.tpo