Phát hiện hài cốt 'gần như con người' 2 triệu năm tuổi ở Nam Phi: Nhỏ bé hơn cả người Hobbit
Các nhà khoa học vừa công bố một phát hiện gây chấn động tại Nam Phi: hài cốt của một cá thể Paranthropus robustus một loài vượn người cổ đại với chiều cao khiêm tốn đến khó tin, chỉ khoảng 1,03 mét, thậm chí thấp hơn cả 'người Hobbit' nổi tiếng ở Indonesia.
Hài cốt được khai quật từ các lớp đá trầm tích có niên đại 1,7 đến 2,3 triệu năm tại hang đá vôi Swartkrans một phần của khu vực di sản thế giới được mệnh danh là “Cái nôi của loài người”. Đây là một khu vực nổi tiếng với những phát hiện có giá trị lớn trong nghiên cứu nguồn gốc loài người.
Paranthropus theo nghĩa tiếng Hy Lạp là "gần như con người" là một chi vượn người cổ đã tuyệt chủng, thuộc về nhánh tiến hóa của tông Người (Hominini), giống như tổ tiên xa xưa của loài người hiện đại.

Paranthropus được mô tả là những sinh vật "gần như người", bước đi như chúng ta nhưng mang chân dung còn đậm nét vượn - Minh họa AI: Thu Anh
Điều khiến phát hiện lần này trở nên đặc biệt là phần xương hông và chân trái thuộc về một cá thể non trẻ, tạm gọi là SWT1/HR-2, cho thấy sinh vật này chỉ cao vỏn vẹn hơn 1 mét. Với kích thước đó, nó trở thành một trong những họ hàng nhỏ con nhất từng được biết đến của loài người thậm chí nhỏ hơn cả Lucy, mẫu hóa thạch Australopithecus afarensis nổi tiếng ở Ethiopia.
Trước đây, giới khoa học đã biết đến Paranthropus robustus, tuy nhiên, các mẫu vật hoàn chỉnh về chi dưới vẫn còn rất hiếm. Nhóm nghiên cứu do nhà cổ nhân chủng học Travis Pickering (Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ) dẫn đầu đã có cơ hội tái dựng lại hình dạng và lối sống của loài này một cách rõ ràng hơn nhờ những mẫu vật mới.
Hình ảnh phục dựng cho thấy loài Paranthropus robustus có vóc dáng thấp bé, rắn chắc, thậm chí còn "nặng ký" hơn cả các nhóm người hiện đại có chiều cao trung bình thấp nhất thường dưới 1,5 mét đối với nam giới.
Đặc biệt, cấu trúc xương hông và chân chỉ ra rằng loài này đã thích nghi với việc đi bằng hai chân trên mặt đất, thay vì di chuyển nhiều trên cây như tổ tiên xa xưa của chúng.
Tuy nhiên, những khả năng sinh tồn tiến hóa đó không đủ để cứu SWT1/HR-2 khỏi một kết cục bi thảm. Các vết cắn và dấu tích trên xương cho thấy cá thể này có thể đã trở thành bữa ăn cho một con báo cổ đại. Bằng chứng càng được củng cố khi các răng của báo hoa mai cũng được tìm thấy gần khu vực khai quật.
Một điều khiến các nhà khoa học đau đầu là câu hỏi vì sao Paranthropus robustus lại nhỏ bé đến vậy, trong khi chúng sống trên đất liền nơi điều kiện thường không thúc đẩy xu hướng "thu nhỏ hóa" cơ thể. Theo quy luật tiến hóa, hiện tượng này thường xảy ra ở các loài sống cô lập trên đảo, như trường hợp của "người Hobbit" ở đảo Flores, Indonesia.
Dù vậy, với những gì tìm thấy, khám phá về SWT1/HR-2 đã góp phần mở rộng hiểu biết về sự đa dạng hình thái và cách thích nghi sinh tồn trong lịch sử tiến hóa của tổ tiên loài người. Và một lần nữa, nó nhắc nhở chúng ta rằng lịch sử loài người không hề đơn giản mà đầy những nhánh rẽ, bí ẩn và bất ngờ.