Phát hiện hành tinh có nước nằm ngoài hệ Mặt trời
Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra hơi nước trong bầu khí quyển của ngoại hành tinh K2 - 18b, đó là hành tinh đầu tiên ngoài trái đất có tiềm năng hỗ trợ sự sống.
Các nhà khoa học từ Đại học College London (UCL) tuyên bố rằng họ đã phát hiện ra hơi nước trong bầu khí quyển của một hành tinh ngoại có khối lượng gấp 8 lần khối lượng Trái đất và cách xa 110 năm ánh sáng. Họ nói rằng đó là hành tinh đầu tiên ngoài trái đất có tiềm năng hỗ trợ sự sống.
Angelos Tsiara, tác giả chính của nghiên cứu UCL được công bố trên tạp chí mới nhất, cho biết: "K2 - 18b không phải là “Trái đất 2.0” vì nó nặng hơn đáng kể và có thành phần khí quyển khác. Tuy nhiên, nó khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi cơ bản: “Trái đất có là duy nhất hay không?”.
Tsiara và các đồng nghiệp đã thực hiện khám phá này trong khi sử dụng các thuật toán nguồn mở để phân tích dữ liệu được chụp bởi Kính viễn vọng Không gian Hubble của ESA / NASA.
K2 – 18b nằm trong “vùng sống được” được phát hiện lần đầu vào năm 2015, còn được gọi là "Vùng Goldilocks" của một hệ mặt trời cách xa chúng ta. Hành tinh K2 - 18 b nằm ở khoảng cách phù hợp với ngôi sao lùn đỏ của nó để có thể tồn tại nước ở thể lỏng trên bề mặt. Các nhà nghiên cứu cũng thông tin thêm rằng ngôi sao của hành tinh này nhỏ hơn và lạnh hơn Mặt trời.
Mặc dù những khám phá sẽ cho thấy tiềm năng duy trì sự sống nhưng do lực hấp dẫn cực độ và bức xạ tia cực tím mạnh của hành tinh, con người vẫn không thể sống được.
Tuy nhiên, các nhà khoa học rất phấn khích. Jacanna Tinetti, người đồng tác giả báo cáo UCL nói: "Chúng tôi không thể cho rằng nó có đại dương trên bề mặt, nhưng đó là một khả năng thực sự."
Một đồng tác giả khác, Ingo Waldmann, nói: "Có khả năng đây là lần đầu tiên trong nhiều khám phá về các hành tinh có thể ở được”.
Các nhà khoa học tin tưởng rằng nhiều hành tinh như vậy sẽ được phát hiện trong tương lai gần bởi Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA và Sứ mệnh Không gian ARIEL của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, dự kiến ra mắt vào năm 2028.