Phát hiện hành tinh 'lạ' có bầu khí quyển toàn là sắt
Các nhà khoa học phát hiện ra một hành tinh mới nằm cách Trái đất 742 năm ánh sáng và có bầu khí quyển vô cùng đặc biệt, nở ra hết cỡ do nhiệt độ quá cao.
Theo nhà thiên văn Samuel Cabot từ Đại học Yale (Mỹ) cho biết, hành tinh mới được đặt tên là TOI-1518b. Đây là một dạng "Sao Mộc nóng'' quay cực nhanh, là một ứng cử viên tuyệt vời để tìm hiểu về bầu khí quyển các thế giới ngoài hệ Mặt trời.
Hành tinh mới có bán kính xấp xỉ 1,875 sao Mộc và khối lượng hơn sao Mộc khoảng 2 lần.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy có sắt trung tính trong bầu khí quyển của TOI-1518b. Ngoài việc có sắt trong khí quyển, TOI-1518b có nhiệt độ cân bằng là 2.218 độ C. Nhiệt độ này khiến cho các kim loại cũng không thể tồn tại nổi dưới dạng rắn hay lỏng mà bị bốc hơi. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đã tìm thấy dấu hiệu của rất nhiều sắt bay hơi trong bầu khí quyển kỳ lạ này.
Đặc biệt, ngôi sao chủ của hành tinh mới phát hiện có nhiệt độ là 7.000 độ C trong khi nhiệt độ bề mặt của Mặt trời là 5.500 độ C.
Hành tinh mới phát hiện ra này quay quanh ngôi sao chủ trong vòng chưa đầy 2 ngày ở khoảng cách xấp xỉ 0,04 đơn vị thiên văn hay 5,9 triệu km.
TOI-1518b dù cách chúng ta tận 742 năm ánh sáng vẫn để lộ các đặc tính khí quyển nhờ nó bị ''thổi phồng'', tức có bầu khí quyển nở ra hết mức do nhiệt độ quá cao, đồng thời lại được sao mẹ chiếu sáng rất mạnh.
Trúc Chi (Tổng Hợp)