Phát hiện hành tinh mới có thể sống được, rất gần chúng ta

Hành tinh L 98-59 f là một siêu Trái Đất, quay quanh một ngôi sao lùn đỏ cách chúng ta chỉ 35 năm ánh sáng.

Theo SciTech Daily, nhóm nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Ngoại hành tinh Trottier (IREx - Canada) đã hoàn thành cuộc điều tra chi tiết nhất từ trước đến nay về hệ thống hành tinh xung quanh L 98-59, một ngôi sao lùn đỏ cách Trái Đất 35 năm ánh sáng.

Đã có 4 hành tinh thuộc hệ này được biết đến trước đó. Cuộc khảo sát mới nhất đã tiết lộ hành tinh thứ 5, được đặt tên là L 98-59 f. Và đây là một thế giới thuộc "vùng sự sống" của sao mẹ.

Ảnh đồ họa mô tả hệ sao L 98-59 với 5 hành tinh, bao gồm siêu Trái Đất L 98-59 f ở tiền cảnh - Ảnh: ĐẠI HỌC MONTREAL

Ảnh đồ họa mô tả hệ sao L 98-59 với 5 hành tinh, bao gồm siêu Trái Đất L 98-59 f ở tiền cảnh - Ảnh: ĐẠI HỌC MONTREAL

"Vùng sự sống" Goldilocks là khu vực có khoảng cách với sao mẹ vừa đủ để các hành tinh nhận được nhiệt lượng phù hợp và duy trì được nước ở trạng thái lỏng, nếu như nó có nước.

Hệ Mặt Trời có 3 hành tinh thuộc vùng này: Sao Kim, Trái Đất và Sao Hỏa.

Sự hiện diện của L 98-59 f đã được phát hiện thông qua những biến thiên tinh tế trong chuyển động của ngôi sao, được phát hiện bằng cách sử dụng phép đo vận tốc xuyên tâm.

L 98-59 f nhận được năng lượng từ sao mẹ L 98-59 tương đương với những gì Trái Đất nhận được từ Mặt Trời, khiến nó trở thành một mục tiêu cực tốt cho các dự án săn tìm sự sống ngoài hành tinh.

Trước đó, ngôi sao mẹ L 98-59 đã được kính viễn vọng không gian TESS của NASA phát hiện lần đầu tiên vào năm 2019.

Nó lập tức gây chú ý với 4 hành tinh có kích cỡ gần giống Trái Đất quay quanh.

Hành tinh trong cùng, L 98-59 b, chỉ bằng 84% kích thước và khoảng một nửa khối lượng Trái Đất, khiến nó trở thành một trong những tiểu Trái Đất hiếm hoi được biết đến với các thông số được đo lường chính xác.

Hai hành tinh chính giữa có thể trải qua hoạt động núi lửa cực độ do thủy triều, tương tự như Mặt Trăng núi lửa Io của Sao Mộc trong hệ Mặt Trời. Vì vậy, người ta không hy vọng lắm về sự sống.

Hành tinh còn lại có mật độ thấp bất thường, có thể là một "thế giới nước", khác biệt hoàn toàn so với bất kỳ hành tinh nào trong Hệ Mặt Trời.

Vì vậy, L 98-59 f là một phát hiện mà các nhà khoa học rất trông đợi.

"Việc tìm thấy một hành tinh ôn đới trong một hệ thống nhỏ gọn như vậy khiến khám phá này đặc biệt thú vị, làm nổi bật sự đa dạng đáng chú ý của các hệ thống ngoại hành tinh và củng cố việc nghiên cứu các hành tinh có khả năng sinh sống xung quanh các ngôi sao khối lượng thấp" - các tác giả cho biết.

Khoảng cách chỉ 35 năm ánh sáng cũng đưa nó vào danh sách các ngoại hành tinh có tiềm năng sinh sống gần nhất mà nhân loại từng biết đến.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học The Astronomical Journal.

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phat-hien-hanh-tinh-moi-co-the-song-duoc-rat-gan-chung-ta-196250728115024068.htm