Phát hiện hành tinh siêu lạnh sống sót kỳ diệu trong 'vùng cấm' quanh sao lùn trắng

Các nhà thiên văn học vừa công bố một phát hiện mang tính đột phá khi xác nhận sự tồn tại của một hành tinh lạnh giá quay quanh ngôi sao lùn trắng WD 1856+534 - một khu vực trong vũ trụ vốn được coi là 'vùng cấm' đối với sự tồn tại của các hành tinh.

Ngôi sao lùn trắng WD 1856+534 nằm trong chòm sao Thiên Long (Draco), cách Trái đất 82 năm ánh sáng và đã 5,8 tỷ năm tuổi. Vào năm 2020, vệ tinh TESS của NASA cùng với một số kính thiên văn mặt đất đã ghi nhận một vật thể có kích thước tương đương sao mộc quay quanh ngôi sao này với chu kỳ cực ngắn chỉ 1,4 ngày.

Gần đây, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Mary Anne Limbach thuộc Đại học Michigan dẫn đầu đã sử dụng Kính viễn vọng Không gian James Webb để xác nhận rằng vật thể nói trên — được đặt tên là WD 1856+534b — thực sự là một hành tinh. Đáng chú ý, hành tinh này quay quanh ngôi sao chủ ở khoảng cách cực kỳ gần, chỉ bằng 1/30 so với khoảng cách từ sao thủy đến mặt trời.

Ảnh: Pixabay.

Ảnh: Pixabay.

Theo lý thuyết thiên văn hiện hành, khi một ngôi sao có khối lượng thấp đến trung bình như Mặt Trời cạn kiệt nhiên liệu hạt nhân, nó sẽ phình to thành sao khổng lồ đỏ, sau đó mất lớp vỏ ngoài và để lại phần lõi đặc gọi là sao lùn trắng. Trong giai đoạn này, các hành tinh nằm trong bán kính hai đơn vị thiên văn thường bị phá hủy hoàn toàn, hình thành nên cái gọi là “vùng cấm”.

Tuy nhiên, qua phân tích tín hiệu thu được từ James Webb, các nhà khoa học đã xác định WD 1856+534b có khối lượng gấp khoảng 5,2 lần sao Mộc và nhiệt độ bề mặt là -52°C. Đây được xem là ngoại hành tinh lạnh nhất từng được quan sát trực tiếp ánh sáng. Dù vậy, WD 1856+534b vẫn chưa phải là hành tinh lạnh nhất từng được biết đến. Danh hiệu đó hiện thuộc về hành tinh OGLE-2005-BLG-390Lb, nằm gần trung tâm Dải Ngân Hà với nhiệt độ bề mặt cực thấp vào khoảng -223°C.

Giới nghiên cứu cho rằng WD 1856+534b ban đầu có quỹ đạo xa hơn và chỉ xâm nhập “vùng cấm” sau khi ngôi sao chủ đã tiến hóa thành sao lùn trắng. Khả năng cao là hành tinh này đã bị kéo vào quỹ đạo gần do ảnh hưởng hấp dẫn từ một hành tinh khác hoặc một ngôi sao đồng hành trong hệ ba sao.

Khám phá này không chỉ làm thay đổi nhận thức hiện tại về sự sống còn của các hành tinh quanh sao lùn trắng mà còn mở ra những câu hỏi mới về khả năng tồn tại của hệ hành tinh sau cái chết của các ngôi sao chủ.

Bảo Ngọc (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/phat-hien-hanh-tinh-sieu-lanh-song-sot-ky-dieu-trong-vung-cam-quanh-sao-lun-trang/20250514061710666