Phát hiện hóa thạch loài bò sát bay cổ đại hơn 100 triệu năm trước

Một nhóm các nhà khoa học ở Chile vừa khai quật được một nghĩa địa hiếm hoi với những bộ xương hóa thạch được bảo quản khá tốt thuộc về loài bò sát bay cổ đại có niên đại từ hơn 100 triệu năm trước, từng xuất hiện trên 'sa mạc tử thần' Atacama - một trong những sa mạc khô cằn nhất trên thế giới.

Nhóm nghiên cứu xác định những hóa thạch vừa được tìm thấy thuộc về loài pterosaurs - “thằn lằn bay” sống cùng thời với các loài khủng long trên cạn. Loài này có sải cánh dài, cùng những chiếc răng dài mỏng đặc trưng, là loài ăn lọc giống như hồng hạc ngày nay. Phát hiện mới cho phép các nhà khoa học nghiên cứu không chỉ có cái nhìn sâu hơn về mặt giải phẫu mà hé lộ cả những thói quen chưa từng được biết đến của các loài sinh vật cổ đại. Nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm những dấu vết về loài pterosaurs trong suốt nhiều năm, nhưng phát hiện lần này đã vượt quá kỳ vọng của họ.

Nhà khoa học JHONATAN ALARCON chia sẻ: “Địa điểm khảo cổ này vì thế có ý nghĩa rất quan trọng vì nó có thể cho phép chúng tôi thu được nhiều thông tin hữu ích liên quan đến lối sống của các loài sinh vật cổ đại. Ví dụ như chúng tôi có thể có được câu trả lời về cách các nhóm động vật này được cấu tạo, việc gây giống hay giải đáp nhiều thắc mắc khác nữa.”

Ông DAVID RUBILAR - Trưởng bộ phận cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Chile nhận định: “Với những bộ xương hóa thạch được bảo quản tốt, gần như còn nguyên dạng sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin chi tiết về mặt giải phẫu, không những thế còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách các loài vật phát triển thịnh vượng trên hành tinh trong hơn 160 triệu năm.”

Phát hiện mới càng củng cố thêm giả thuyết mà các nhà khoa học tin rằng loài pterosaurs từng rất phổ biến ở khu vực miền bắc Chile./.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/phat-hien-hoa-thach-loai-bo-sat-bay-co-dai-hon-100-trieu-nam-truoc