Phát hiện hóa thạch tổ tiên 9 triệu năm tuổi của cá mập trắng ở Peru
Ngày 20/1, các nhà cổ sinh vật học tại Peru công bố hóa thạch 9 triệu năm tuổi của loài cá mập Cosmopolitodus hastalis, họ hàng của cá mập trắng lớn hiện đại.
Hóa thạch gần như hoàn chỉnh được phát hiện ở lưu vực Pisco, cách thủ đô Lima khoảng 235 km về phía nam, tiết lộ rằng loài cá mập này từng sinh sống ở vùng biển phía nam Thái Bình Dương và có thói quen săn cá mòi.
Hóa thạch được tìm thấy có những đặc điểm đáng kinh ngạc. Răng của loài cá mập này có chiều dài tới 8,9 cm, và những con trưởng thành có thể đạt chiều dài gần 7 mét, tương đương kích thước của một chiếc thuyền nhỏ. Đây được coi là tổ tiên của loài cá mập trắng lớn ngày nay, dù hiện loài này đã tuyệt chủng.
Tại buổi thuyết trình, kỹ sư Cesar Augusto Chacaltana thuộc Viện Địa chất và Khai thác mỏ Peru (INGEMMET) nhấn mạnh tầm quan trọng của hóa thạch, gọi đây là phát hiện "đặc biệt". Các nhà nghiên cứu đã trưng bày phần hài cốt trong nhiều bình thủy tinh, bao gồm cả bộ hàm răng sắc nhọn khổng lồ.
Nhà cổ sinh vật học Mario Urbina cho biết hóa thạch cá mập hoàn chỉnh là cực kỳ hiếm trên thế giới, và điều đặc biệt hơn nữa là bên trong dạ dày của mẫu hóa thạch này, người ta tìm thấy dấu tích của nhiều con cá mòi.
Urbina giải thích rằng trong thời kỳ cá cơm chưa xuất hiện trên các đại dương, cá mòi là nguồn thức ăn chính cho các loài động vật săn mồi như cá mập cổ đại.
Lưu vực Pisco từ lâu đã được biết đến như một kho báu của các hóa thạch sinh vật biển cổ đại. Chỉ trong hơn một năm qua, các nhà cổ sinh vật học Peru đã công bố hàng loạt phát hiện quan trọng.
Vào tháng 11, hóa thạch của một con cá sấu non sống cách đây hơn 10 triệu năm đã được tìm thấy ngoài khơi miền trung Peru, gần thành phố Pisco và vùng nông nghiệp Ica. Trước đó vào tháng 4, các nhà nghiên cứu đã giới thiệu hộp sọ hóa thạch của loài cá heo sông lớn nhất từng được biết đến, sinh sống tại Amazon khoảng 16 triệu năm trước.