Tại sao có thông tin 2025 là năm Mèo chứ không phải năm Rắn, sự thật là gì?
Năm 2025 đúng ra là năm Mèo chứ không phải năm Rắn - đó là một thông tin đang được bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Bằng chứng được đưa ra là bức tranh 12 con giáp từ cổ xưa đã được tìm thấy, trong đó không hề có hình con rắn. Điều này được lý giải thế nào?
Các nước châu Á có mừng Tết Nguyên đán, bao gồm cả nước ta, đều biết rằng năm 2025 (Âm lịch) là năm Rắn (Ất Tỵ). Thế nhưng có một thông tin đang gây ngạc nhiên đối với cư dân mạng ở Trung Quốc - được cho là nơi bắt nguồn của truyền thuyết về 12 con giáp: Năm nay đúng ra là năm Mèo chứ không phải năm Rắn.
Theo trang SCMP, nếu dựa theo bức tranh trên một lăng mộ cổ ở Trung Quốc thì ngày 29/1/2025 (mùng 1 Tết) tới đây đánh dấu ngày đầu tiên của năm con Mèo. Một bản sao của bức tranh này - được cho là vẽ 12 con giáp mặc trang phục con người cổ xưa - được trưng bày ở Học viện Yuelu danh tiếng ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), thành lập từ thời nhà Tống (960 - 1279).
Trong bức tranh cổ không hề có con rắn, mà sự xuất hiện của con mèo lại khiến cư dân mạng ở Trung Quốc ngạc nhiên và viết, điều này làm liên tưởng đến năm con Mèo theo quan niệm về 12 con giáp ở Việt Nam. Vì 12 con giáp của Trung Quốc vẫn được dùng hiện tại là Chuột, Trâu, Hổ, Thỏ, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê/ Cừu, Khỉ, Gà, Chó, Heo (tức là không có mèo mà có thỏ, cho nên khi xem bức tranh cổ, người ta cho rằng Mèo thay thế cho Rắn).
Không chỉ vậy, 12 con giáp trong bức tranh cổ còn được xếp theo thứ tự khác với hiện tại.
Nhiều cư dân mạng ở Trung Quốc nói họ không thể tin nổi là con rắn dường như không có trong truyền thuyết cổ xưa về 12 con giáp. Một số người viết đùa: “Chào mừng năm con Mèo 2025”.
Vậy thực ra năm 2025 là năm con gì, Rắn hay Mèo?
Theo các nhà nghiên cứu thì sự khác biệt về văn hóa dường như có ảnh hưởng đến quan niệm về 12 con giáp từ xa xưa. Theo Xie Yifeng, trưởng khoa Lịch sử ở Học viện Yuelu, thì bức tranh nói trên có thể được vẽ từ trước thời Tống. Khi đó, ở nhiều nơi tại Trung Quốc, trong 12 con giáp đúng là không có con rắn mà có con mèo (và vẫn có cả thỏ).
Bức tranh nói trên không được ghi rõ thời điểm vẽ, nên nó có thể củng cố giả thuyết rằng ngày xưa, các vùng khác nhau ở Trung Quốc có những quan niệm và phong tục rất khác nhau về 12 con giáp.
Cho nên, những bức tranh cổ như thế này là rất quan trọng đối với các nhà nghiên cứu về văn hóa cổ xưa, nhưng chúng gần như không ảnh hưởng đến 12 con giáp ở hiện tại, và các nước châu Á vẫn coi năm 2025 là năm Rắn thôi.