Phát hiện học sinh mắc Covid-19, trường học phải xử lý thế nào?

Tất cả học sinh, giáo viên cùng lớp học có người mắc Covid-19, đều được coi là F1. Cơ quan chức năng phải tách F1 ra một khu vực riêng để tổ chức cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm F1 lần đầu theo mẫu đơn.

Theo thông tin của lãnh đạo Bộ Y tế, hiện trên thế giới có 105/134 quốc gia đã mở cửa trường học trở lại. Tại Việt Nam, 28 tỉnh, thành phố đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp; 35 tỉnh, thành phố đang tổ chức học trực tuyến, học trên truyền hình.

Nhiều địa phương đã có kế hoạch mở cửa trở lại tại các quận, huyện “vùng xanh” từ 15/11. Cùng với đó, các địa phương đã tăng cường tổ chức tiêm vắc xin cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục. Một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, Bình Dương, Ninh Bình… đã triển khai tiêm vắc xin cho học sinh từ 12-17 tuổi.

Ảnh: Thanh Tùng

Ảnh: Thanh Tùng

Tuy nhiên, gần đây, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng ở một số địa phương. Trong khi đó, tỉ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vắc xin còn thấp (trung bình toàn quốc khoảng 62%).

Vì vậy, khi học sinh đi học trở lại, trường xuất hiện F0 phải xử lý thế nào cũng là mối quan tâm của nhiều người. Về vấn đề này, ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) lưu ý, khi có ca nhiễm Covid-19, lực lương y tế phải phong tỏa tạm thời ngay toàn bộ trường học; rà soát tất cả những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ trong trường học và cộng đồng.

Tất cả học sinh, giáo viên cùng lớp học có F0 thì đều được coi là F1. Cơ quan chức năng phải tách F1 ra một khu vực riêng để tổ chức cách ly theo quy định, lấy mẫu bệnh phẩm F1 lần đầu theo mẫu đơn.

Đối với cán bộ, giáo viên, học sinh là F1 đang ở cộng đồng, yêu cầu ở yên tại nơi lưu trú và thông báo ngay cho y tế cơ sở để xử lý.

Tổ chức ngay lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả các học sinh, giáo viên, người lao động của trường (Những người đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh và F1 thì lấy mẫu xét nghiệm đơn. Những người khác nên lấy mẫu xét nghiệm gộp 5-10).

Đồng thời, y tế cơ sở rà soát F2, xem xét lấy mẫu xét nghiệm cho F2 nếu tiên lượng thấy nguy cơ F1 có thể đã trở thành F0 và lây cho F2.

Hướng dẫn cho F2 về cách ly tại nhà, nơi lưu trú và chờ kết quả xét nghiệm của F1. Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, học sinh, giáo viên, người lao động đang có mặt tại trường ở nguyên tại chỗ.

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống lây nhiễm vì nguy cơ xảy ra lây nhiễm trong lúc phong tỏa tạm thời là rất cao. Lớp học nào ở yên lớp học đó, tự quản và thực hiện 5K.

Với trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, cơ quan y tế địa phương đánh giá nguy cơ, dịch tễ để xác định F2 được kết thúc việc cách ly tại nhà và tiếp tục quay trở lại học tập, thực hiện 5K.

Rà soát truy vết F1 tại trường một lần nữa tránh bỏ sót F1 (tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được coi là F1). Tất cả học sinh, giáo viên, người lao động nhà trường thuộc diện F1 sẽ ra quyết định cách ly đủ thời gian quy định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý: “Khi trường có F0 thì khoanh vùng ngay lập tức, sàng lọc, F1 cách ly tại nhà hoặc tập trung, phong tỏa lớp học hoặc tầng học, tòa nhà đó. Sau đó phun trùng khử khuẩn. Sau 24h khử khuẩn, có thể đưa học sinh, giáo viên lớp khác vào lớp học đó học. Đó là thích ứng an toàn, hiệu quả”, ông nói.

Đồng thời, ông Tuyên cũng đề nghị từng trường phải xây dựng kịch bản khi không may trường có học sinh, giáo viên là F0. Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo phải căn cứ vào công bố cấp dịch của từng tỉnh (chi tiết đến từng cấp xã, thậm chí nhỏ hơn) để cho học sinh đi học theo tình hình. Ví dụ xã này, trẻ có thể học trực tiếp khi cấp độ dịch an toàn nhưng xã khác lại học trực tuyến tùy tình hình dịch.

Ngọc Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/hoc-sinh-mac-covid-19-truong-hoc-phai-xu-ly-the-nao-791154.html