Phát hiện khả năng có sự sống ở hành tinh khác, chuyên gia nói gì?

Ngày 17/4 vừa qua, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Anh và Mỹ đã quan sát và phát hiện ra dấu hiệu của hai loại hóa chất trong khí quyển vốn được coi là 'dấu hiệu sinh học' của sự sống ngoài Trái Đất.

Hành tinh 'nằm trong vùng sống được"

Trong giới khoa học đã có cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu hành tinh K2-18b, cách chúng ta 124 năm ánh sáng trong chòm sao Sư Tử, có thể là một thế giới đại dương có khả năng nuôi dưỡng sự sống của vi khuẩn hay không.

Ngày 17/4 vừa qua, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Anh và Mỹ đã sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb để quan sát và phát hiện ra dấu hiệu của hai loại hóa chất trong khí quyển của hành tinh này vốn được coi là "dấu hiệu sinh học" của sự sống ngoài Trái Đất, là dimethyl sulfide và dimethyl disulfide.

Trên Trái Đất, các hóa chất dimethyl sulfide (DMS) và dimethyl disulfide chỉ được tạo ra bởi sự sống, chủ yếu là tảo biển cực nhỏ gọi là thực vật phù du.

Các nhà khoa học phát hiện ra 2 chất là bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh.

Các nhà khoa học phát hiện ra 2 chất là bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh.

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, K2-18b (đối tượng trong phát hiện mới) là một hành tinh cách chúng ta khoảng 124 năm ánh sáng, trong vùng bầu trời của chòm sao Leo (Sư tử). Nó được gọi là một siêu Trái Đất (super-Earth), có nghĩa là nó có khối lượng lớn hơn Trái Đất và nhỏ hơn các hành tinh khí khổng lồ.

Nó được phát hiện năm 2015 thông qua phân tích dữ liệu của kính thiên văn không gian Kepler dựa vào phương pháp quá cảnh (chứ không phải kính James Webb phát hiện ra nó). Những quan sát và phân tích sau này mới xếp nó vào thêm một nhóm hành tinh mới được gọi là các hành tinh đại dương (hycean planet - là những hành tinh bao phủ bởi nước và có một bầu khí quyển rất giàu hydro).

"K2-18b là một hành tinh thuộc vùng sống được của sao mẹ là K2-18. Cần lưu ý rằng "vùng sống được" chỉ là một phạm vi khoảng cách giữa hành tinh và ngôi sao để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt hành tinh đó (gần hơn thì nước sẽ bốc hơi còn xa hơn sẽ đóng băng). Nó chỉ là một trong những điều kiện cần (chứ chưa đủ) đối với sự sống hữu cơ. Trong Hệ Mặt Trời, Sao Hỏa và Sao Kim cũng nằm trong vùng đó, và chúng vẫn được coi là những hành tinh "nằm trong vùng sống được", nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn nói.

Trên thực tế, từ năm 2023, việc có hơi nước và methane trong khí quyển của hành tinh này đã được biết tới qua việc phân tích dữ liệu từ kính thiên văn không gian James Webb (JWST). Cũng từ thời điểm đó, cũng đã có những dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của dymethyl sylfide (công thức hóa học là (CH3)2S, thường viết tắt là DMS). Tuy nhiên, trong bài báo khoa học mới công bố cách đây vài hôm thì việc này được xác thực rõ ràng hơn, thậm chí có thể có cả dimethyl disulfide (DMDS, công thức là CH3SSCH3).

Trên Trái Đất, DMS và DMDS là những phân tử chỉ được sinh ra do quá trình trao đổi chất của các loại vi khuẩn - nhất là ở những sinh vật phù dù sống trong đại dương. Nếu hiểu biết đó của chúng ta là chính xác (tức là chắc chắn không có cách phi sinh học nào trong tự nhiên để chúng ra đời, ngay cả ở những môi trường khác) thì có thể rằng có hoạt động sinh học ở hành tinh K2-18b.

Kính thiên văn có thể quan sát ngoại hành tinh không?

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết, chưa có và còn lâu nữa mới có những kính thiên văn có thể thực sự quan sát được các ngoại hành tinh. Mọi hình ảnh bạn nhìn thấy đều chỉ là hình vẽ minh họa.

Dựa vào những gì đã biết về khả năng hấp thụ bước sóng ánh sáng của các loại phân tử mà chúng ta đã biết, các nhà khoa học có thể xác định được thành phần hóa học của khí quyển hành tinh. Biểu đồ này cho thấy các bước sóng nhạy cảm với DMS và DMDS bị chặn lại/hấp thụ ra sao và từ đó đưa ra được kết luận.

"Do vậy ở nghiên cứu trên, "manh mối mạnh nhất về sự sống ngoài Hệ Mặt Trời" là đúng, vì trước đây chưa có phát hiện nào đi xa tới mức này. Tuy nhiên "manh mối" khác với "bằng chứng". Bằng chứng là khi người ta khẳng định rằng có sự sống ở đâu đó ngoài kia", nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn nhấn mạnh.

Và cũng như bạn thấy, cái gọi là "sự sống" khi các nhà khoa học nhắc tới chỉ đơn giản là bất cứ thứ gì mang ý nghĩa sinh học như chúng ta biết trên Trái Đất. Đó có thể chỉ là những giống loài rất đơn giản hay thậm chí chỉ là những thực thể đơn bào mà thôi. Và ngay cả chỉ là tìm thấy một vài thực thể nhỏ như vậy ngoài vũ trụ thì đó cũng là một cột mốc vĩ đại của khoa học.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-hien-kha-nang-co-su-song-o-hanh-tinh-khac-chuyen-gia-noi-gi-169250420163758049.htm