Đồng Tháp tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ
Ngày 20/4 tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ. Đây là những cá thể sếu được đưa từ Thái Lan về Việt Nam bằng đường hàng không.
Tham dự lễ có ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; Tiến sĩ Jade Donavanik, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ chức Công viên Động vật học Thái Lan. Cùng tham dự có đại diện các cơ quan, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và người dân.

Các đại biểu đặt tên cho sếu
Những cá thể sếu đầu đỏ được đưa về Vườn Quốc gia Tràm Chim (khoảng 7 tháng tuổi) được nhân nuôi tại Vườn thú Nakhon Ratchasima và được chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không, bao gồm 3 cá thể trống và 3 cá thể mái.
Sếu đầu đỏ đã hoàn thành cách ly theo quy định về kiểm dịch động vật hoang dã tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, đủ điều kiện chuyển về Vườn Quốc gia Tràm Chim để tiếp tục chăm sóc và thực hiện công tác bảo tồn.

Thực hiện nghi thức tiếp nhận sếu đầu đỏ
Ông Jade Donavanik, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan vui mừng khi được chứng kiến sự cam kết, sẵn sàng và sự tham gia đầy nhiệt huyết của tỉnh Đồng Tháp, cũng như của các doanh nghiệp trong việc chung tay triển khai Đề án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ.

Thành lập Đội Tuyên truyền Bảo vệ sếu đầu đỏ và các loài chim hoang dã tại Vườn Quốc gia Tràm
Đây là loài chim có tầm quan trọng sinh thái cao và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng. Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ không chỉ có ý nghĩa đối với Vườn Quốc gia Tràm Chim hay tỉnh Đồng Tháp, mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trên phạm vi toàn cầu.

Ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi lễ
Việc bảo tồn sếu đầu đỏ và các loài chim hoang dã không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn cần sự chung tay của cả cộng đồng. Tại buổi lễ, Đội Tuyên truyền Bảo vệ sếu đầu đỏ và các loài chim hoang dã tại Vườn Quốc gia Tràm Chim chính thức ra mắt với 15 thành viên.
Trong đó, nhiệm vụ là tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ và các loài chim hoang dã tại Vườn Quốc gia Tràm Chim đến đoàn viên, hội viên, người dân, học sinh, du khách và cộng đồng địa phương.

Khu vực sếu đầu đỏ được nuôi
Trước đó, tháng 12/2024, UBND tỉnh Đồng Tháp công bố Đề án “Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032”. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu chung của đề án là phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên.
Dự kiến trong 10 năm triển khai Đề án, Đồng Tháp sẽ có khoảng 100 cá thể sếu được nuôi và thả ra và có 50 cá thể có khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên.

Đồng Tháp tổ chức tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ
Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, có diện tích hơn 7.300 ha. Năm 2012 Vườn Quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.
Vườn với hệ thực vật 130 loài, 130 loài thủy sản nước ngọt, là nơi trú ngụ của 231 loài chim. Đặc biệt, là sếu đầu đỏ loài chim quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng và được cả thế giới quan tâm bảo vệ.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dong-thap-tiep-nhan-6-ca-the-seu-dau-do-post1193521.vov