Phát hiện khảo cổ làm thay đổi lịch sử

Một chiếc răng nhỏ được khai quật từ một hang động ở Pháp đang làm thay đổi những gì chúng ta biết về lịch sử tiến hóa của con người thời kỳ đầu.

Thung lũng Rhone đã được khai quật trong ba thập niên. Ảnh: CNN.

Thung lũng Rhone đã được khai quật trong ba thập niên. Ảnh: CNN.

Chiếc răng nhỏ - thay đổi lớn

Một chiếc răng trẻ con được khai quật từ một hang động ở Pháp đã tiết lộ bằng chứng mới nhất về thời gian xuất hiện của chủng người Homo sapiens (con người hiện đại) ở Tây Âu.

Việc phát hiện ra chiếc răng hàm tại Grotte Mandrin, gần Malataverne trong Thung lũng Rhône ở miền Nam nước Pháp, cùng với hàng trăm công cụ bằng đá có niên đại khoảng 54.000 năm trước, cho thấy loài người sơ khai đã sống ở châu Âu sớm hơn khoảng 10.000 năm so với những gì mà các nhà khảo cổ học từng biết trước đây.

Hơn nữa, việc chiếc răng của người Homo sapiens được phát hiện xen giữa các lớp di tích của người Neanderthal- những người sống ở châu Âu và các vùng của châu Á trong khoảng 300.000 năm trước khi biến mất- cho thấy, hai nhóm người đã cùng tồn tại trong khu vực. Đồng thời, phát hiện này cũng làm dấy lên câu chuyện rằng, sự xuất hiện của người Homo sapiens ở châu Âu đã gây ra sự tuyệt chủng của người Neanderthal.

“Chúng tôi thường nghĩ rằng sự xuất hiện của con người hiện đại ở châu Âu dẫn đến sự diệt vong khá nhanh của người Neanderthal, nhưng bằng chứng mới này cho thấy rằng, quá trình xuất hiện của người hiện đại ở châu Âu và sự biến mất của người Neanderthal phức tạp hơn nhiều”, đồng tác giả nghiên cứu Chris Stringer, Giáo sư, Trưởng nhóm nghiên cứu về sự tiến hóa của loài người tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London nói.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học tìm thấy bằng chứng về việc các nhóm người Homo sapiens và người Neanderthal sống xen kẽ ở cùng một nơi và họ quay vòng nhanh chóng, thậm chí đột ngột, ít nhất hai lần.

Trước đây, sự xuất hiện đầu tiên của con người ở châu Âu được xác định từ 43.000 đến 45.000 năm trước, theo các hài cốt được tìm thấy ở Ý và Bulgaria - không lâu trước khi những hài cốt cuối cùng còn sót lại của người Neanderthal có niên đại từ 40.000 đến 42.000 năm trước được tìm thấy. Khung thời gian này khiến nhiều người nghĩ rằng, sự xuất hiện của người Homo sapiens và sự biến mất của người Neanderthal có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Nghiên cứu này cho thấy, con người và người Neanderthal, những người mà chúng ta biết từ việc phân tích di truyền, đã gặp nhau và sinh con, dẫn đến dấu vết của người Neanderthal trong DNA của chúng ta, bị trùng lặp trong một thời gian dài hơn ở châu Âu.

Công cụ bằng đá (dài khoảng 10 mm) được tạo ra bởi con người hiện đại được biết đến ở Tây Âu.

Công cụ bằng đá (dài khoảng 10 mm) được tạo ra bởi con người hiện đại được biết đến ở Tây Âu.

Manh mối từ các công cụ đá cổ đại

Con người và người Neanderthal có giao lưu cùng nhau trong hang động nhìn ra thung lũng Rhône ở Pháp này không? Cho đến nay, các nhà nghiên cứu không có bất kỳ bằng chứng chắc chắn nào về sự tương tác giữa hai nhóm người.

Các công cụ lao động được tìm thấy trong các lớp trầm tích cho thấy, hoạt động kiếm ăn của người Homo sapiens và người Neanderthal có phong cách riêng biệt và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy 2 nhóm người đã trao đổi qua lại về các kỹ thuật chế tác đồ đá bằng tay. Các công cụ bằng đá gắn liền với con người, được gọi là công cụ Neronian, nhỏ hơn so với công cụ được sử dụng bởi người Neanderthal, được gọi là công cụ của người Mousterian.

Nhưng các tác giả cho rằng, có khả năng hai nhóm đã tiếp xúc trực tiếp với nhau ở những khu vực lân cận, mà không phải trong hang động cụ thể trên.

Cùng với đó, tác giả chính của nghiên cứu, ông Ludovic Slimak, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp và Đại học Toulouse, tin rằng, hai nhóm người phải có sự trao đổi kiến thức theo một cách nào đó.

Ông Slimak cho biết, ngay từ khi bắt đầu chiếm đóng, con người hiện đại đã sử dụng đá lửa có nguồn gốc cách hang động hàng trăm km, những công cụ bằng đá cũng được tìm thấy trong hang động. Về điều này, ông Slimak giải thích rằng, kiến thức đó có thể truyền đến người Neanderthal bản địa.

Ông nói: “Chúng tôi vẫn chưa biết chính xác sự tương tác giữa 2 nhóm là gì? Chúng tôi cũng không biết đó là mối quan hệ tốt hay xấu. Đó là trao đổi nhóm hay họ có người do thám (Neanderthal) để chỉ và hướng dẫn họ?”.

Các nhà nghiên cứu đã xác định niên đại các lớp của địa điểm bằng kỹ thuật phát quang và cacbon phóng xạ, đo thời gian cuối cùng các hạt khoáng chất trong đá được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Lớp chứa răng của con người Homo sapiens trải dài từ 56.800 đến 51.700 năm trước. Trong các lớp khác nhau, các nhà khoa học đã phát hiện ra 8 chiếc răng khác thuộc về người Neanderthal.

Gỡ rối câu chuyện phức tạp của con người là một nỗ lực lớn, nhưng phần lớn người ta chấp nhận rằng, con người hiện đại có nguồn gốc từ châu Phi và thực hiện thành công cuộc di cư đầu tiên đến phần còn lại của thế giới trong một làn sóng từ 50.000 đến 70.000 năm trước.

DNA có thể làm rõ câu chuyện

Bà Marie-Hélène Moncel, Giám đốc nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp ở Paris, cho biết, việc phát hiện ra chỉ một chiếc răng của con người hiện đại là không đủ để đẩy lùi hoàn toàn ngày xuất hiện của người Homo sapiens ở châu Âu. Bà cho biết, cần phải có những bộ hài cốt người hóa thạch khác để đảm bảo kết quả nghiên cứu của bài báo này.

Bà Moncel nói: “Răng là không đủ, chúng tôi phải tìm thấy các hài cốt sau sọ hoặc sọ để chắc chắn.

Có thể DNA - trực tiếp từ răng hoặc thông qua các kỹ thuật mới đột phá cho phép DNA tìm thấy trong trầm tích được giải mã trình tự - có thể xác định câu chuyện và cho chúng ta biết nhóm tiên phong của người hiện đại đầu tiên có liên quan như thế nào với những người đã đến sau này và liệu những người Neanderthal sống trong hang có cùng nguồn gốc hay không.

DNA có thể cho thấy bằng chứng về sự giao phối giữa hai nhóm. Trong hang động Bacho Kiro ở Bulgaria, nơi tìm thấy bằng chứng cổ xưa nhất về người Homo sapiens ở châu Âu, DNA của những người hiện đại ban đầu chiếm khoảng 3% người Neanderthal.

Hiện, chiếc răng mới khai quật được bảo quản tốt trong hồ sơ hóa thạch, đối với các nhà khảo cổ học, chúng cung cấp manh mối về nguồn gốc tổ tiên và hành vi.

HÀ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phat-hien-khao-co-lam-thay-doi-lich-su-5679607.html