Phát hiện kho tiền vàng cuối thời trung cổ ở Hungary
Vào thế kỷ 16, một cuộc tấn công từ Đế chế Ottoman khiến người Hungary hoảng sợ chôn xuống đất một kho vàng bạc giá trị. Giờ đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra kho báu bị chôn vùi này tại một trang trại ở Hungary.
Vào thế kỷ 16, một cuộc tấn công từ Đế chế Ottoman khiến người Hungary hoảng sợ chôn xuống đất một kho vàng bạc giá trị. Giờ đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra kho báu bị chôn vùi này tại một trang trại ở Hungary.
Theo một bài đăng trên Facebook từ Bảo tàng Ferenczy ở Hungary, trong năm 2019, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra 150 đồng tiền cổ ở Újlengyel, một ngôi làng cách khoảng 50 km về phía đông nam của Budapest, Hungary. Hối thúc từ phát hiện này, các nhà khảo cổ đã mang máy dò kim loại quay trở lại địa điểm vào cuối tháng 12-2020 để tìm kiếm các kho báu khác.
Nhà nghiên cứu Balázs Nagy, Bảo tàng Ferenczy, chuyên gia về tiền xu, đã dẫn đầu chuyến thám hiểm kéo dài hai ngày, với sự giúp đỡ từ các tình nguyện viên của Hiệp hội Khảo cổ Cộng đồng. Trên một ngọn đồi gần đó, các nhà khảo cổ đã đào qua một cái hố nhỏ và khai quật một chiếc bình bị vỡ làm đôi, có thể là do bị cày xới. Ban đầu, hàng nghìn đồng xu cổ được tìm thấy rải rác quanh đó.
Bộ sưu tập tiền xu mới được phát hiện bao gồm gần 7.000 đồng xu bạc và bốn đồng xu vàng. Những đồng xu có lẽ đã được chôn cất vào khoảng năm 1520. Thời điểm đó, chúng có giá trị đủ để mua bảy con ngựa. Còn ngày nay, đủ để mua một chiếc xe hơi sang trọng. Đồng xu cổ nhất là đồng bạc La Mã của hoàng đế La Mã Lucius Verus, người trị vì từ năm 161 đến năm 16 sau Công nguyên. Những đồng xu mới nhất trong kho báu này cùng thời với vua Louis II, người cai trị Hungary và Bohemia từ năm 1516 đến 1526.
Bốn đồng tiền vàng được phát hành dưới thời trị vì của vua Hungary Matthias I, từ năm 1458 đến năm 1490, được giấu dưới một lớp vải lót trong bình. Những phát hiện khác gồm một đồng xu quý hiếm được phát hành bởi Giáo hoàng Pius, người trị vì từ năm 1458 đến năm 1464 ở Roma và những đồng xu bạc được phát hành dưới thời trị vì của một số nhà cai trị khác thuộc thế kỷ 15 và 16.
Không rõ tại sao người ta lại chôn những đồng xu này, nhưng các nhà khảo cổ giả thuyết rằng người Hungary có thể đã chôn chúng trong một cuộc tấn công từ Đế chế Ottoman năm 1526.
Đế chế Ottoman, do vua Suleiman 1 lãnh đạo, đã đánh bại Hungary và các đồng minh trong trận Mohács vào ngày 29-8-1526; trận chiến này đánh dấu sự kết thúc của chế độ quân chủ Hungary và mở đường cho sự thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ và Habsburg trong khu vực.
Bảo tàng Ferenczy đang có kế hoạch tiếp tục khám phá địa điểm này để tìm kiếm những kho báu lịch sử khác.