Phát hiện kinh ngạc dưới lớp băng Greenland thúc đẩy tham vọng chiến lược của Mỹ

Một phát hiện bất ngờ của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) dưới lớp băng dày ở Greenland có thể là yếu tố thúc đẩy Tổng thống Donald Trump tái khởi động kế hoạch giành quyền kiểm soát hòn đảo này.

Hình ảnh của căn cứ quân sự bỏ hoang, nằm ẩn mình dưới lớp băng Greenland suốt gần 60 năm do nhà khoa học NASA Chad Greene ghi lại. Ảnh: NASA

Hình ảnh của căn cứ quân sự bỏ hoang, nằm ẩn mình dưới lớp băng Greenland suốt gần 60 năm do nhà khoa học NASA Chad Greene ghi lại. Ảnh: NASA

Theo trang Daily Mail (Anh), vào tháng 4/2024, khi điều khiển máy bay bay qua một sông băng rộng lớn, nhà khoa học hàng đầu của NASA, ông Chad Greene, đã sử dụng radar phát hiện dấu vết của Trại Century, một căn cứ quân sự từng được xây dựng thời Chiến tranh Lạnh đã bị bỏ hoang từ năm 1967.

Trại Century, còn được mệnh danh là “thành phố dưới lớp băng”, được thiết lập vào năm 1959. Căn cứ này bao gồm 21 đường hầm đào sâu ngay dưới bề mặt băng Greenland, với tổng chiều dài lên tới gần 3.000 mét. Ban đầu, cơ sở này là trung tâm của Dự án Iceworm – một kế hoạch bí mật nhằm triển khai mạng lưới phóng tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công Liên Xô. Tuy nhiên, sự biến động không ổn định của lớp băng đã khiến dự án bị hủy bỏ vì lý do an toàn.

Dù bị lãng quên trong nhiều thập kỷ, việc tái phát hiện căn cứ này đã nhanh chóng trở thành một điểm nhấn trong chính sách của ông Trump – người đã nhiều lần bày tỏ mong muốn mua lại Greenland từ Đan Mạch, đặc biệt trong chiến dịch tranh cử năm 2024. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ cần tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực này vì lý do an ninh quốc gia.

Sau khi phát hiện Trại Century, Tổng thống Trump đã công khai tăng cường kế hoạch tiếp cận Greenland, thậm chí tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát hòn đảo – cùng với căn cứ bí mật bị chôn vùi dưới băng.

“Tôi không loại trừ khả năng đó. Tôi không nói rằng tôi sẽ làm điều đó, nhưng tôi không loại trừ bất cứ điều gì. Chúng ta rất cần Greenland. Dân số nơi đó rất ít – chúng ta sẽ chăm sóc họ, trân trọng họ – nhưng điều quan trọng là vì an ninh toàn cầu”, ông Trump nói trong chương trình Meet the Press phát sóng ngày 4/5.

Việc phát hiện Trại Century cũng là lời nhắc nhở về sự quan tâm lâu dài và nghiêm túc của Mỹ đối với Greenland – kéo dài trong nhiều thập kỷ. Trong Thế chiến thứ 2, Mỹ đã đảm nhận trách nhiệm bảo vệ Greenland. Năm 1946, Washington từng đề nghị mua lại hòn đảo này với giá 100 triệu USD, nhưng bị Đan Mạch từ chối. Dù vậy, quân đội Mỹ vẫn duy trì hiện diện quân sự tại đây sau chiến tranh.

Ông Greene, chuyên gia nghiên cứu tầng băng tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực (JPL) của NASA, đang điều khiển chiếc máy bay Gulfstream III bay qua một sông băng khổng lồ thì radar bất ngờ phát hiện dấu vết của Trại Century. Ảnh: NASA

Ông Greene, chuyên gia nghiên cứu tầng băng tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực (JPL) của NASA, đang điều khiển chiếc máy bay Gulfstream III bay qua một sông băng khổng lồ thì radar bất ngờ phát hiện dấu vết của Trại Century. Ảnh: NASA

Sau đó, một hiệp ước giữa hai nước vào năm 1951 cho phép Mỹ xây dựng và duy trì các căn cứ tại Greenland – thỏa thuận này vẫn còn hiệu lực đến ngày nay. Trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, có đến 10.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại 17 căn cứ trên hòn đảo, mặc dù hiện tại chỉ còn khoảng 150 binh sĩ đóng quân tại Căn cứ Không gian Pituffik.

Trại Century từng được thiết kế để chứa khoảng 600 tên lửa đạn đạo tầm trung và là một trong những cơ sở đầu tiên sử dụng lò phản ứng hạt nhân di động để cung cấp điện và sưởi ấm. Sau khi bị bỏ hoang, lò phản ứng đã được tháo dỡ và các chất thải hạt nhân được chôn dưới lớp băng. Cơ sở hạ tầng còn lại hiện nằm sâu khoảng 30 mét dưới bề mặt băng tuyết.

Radar của NASA – cụ thể là hệ thống Radar khẩu độ tổng hợp gắn trên thiết bị bay không người lái UAVSAR – đã cho phép ông Greene và nhóm nghiên cứu lập bản đồ ba chiều của các cấu trúc ngầm, gồm bề mặt của tảng băng, các lớp bên trong và nên đá bên dưới, tương tự cách máy siêu âm quét bên trong cơ thể người.

“Nhờ dữ liệu mới, các cấu trúc bên trong thành phố bí mật lần đầu tiên được nhìn thấy một cách chi tiết và rõ ràng”, ông Greene nói.

NASA đã sử dụng dữ liệu này để lập bản đồ cấu trúc của căn cứ và các hình ảnh thu được dường như khớp với các tài liệu lịch sử về thiết kế gốc của Trại Century.

Trại Century là một căn cứ quân sự của Mỹ được xây dựng vào năm 1959, bao gồm mạng lưới 21 đường hầm nằm ngay bên dưới bề mặt của lớp băng Greenland, với tổng chiều dài khoảng 3 km. Ảnh: Getty Images

Trại Century là một căn cứ quân sự của Mỹ được xây dựng vào năm 1959, bao gồm mạng lưới 21 đường hầm nằm ngay bên dưới bề mặt của lớp băng Greenland, với tổng chiều dài khoảng 3 km. Ảnh: Getty Images

Trại Century là một trong những cơ sở đầu tiên sử dụng lò phản ứng hạt nhân di động để cung cấp điện năng và nhiệt độ duy trì hoạt động. Sau khi bị bỏ hoang, lò phản ứng đã được tháo dỡ, còn các chất thải nguy hại thì bị chôn lấp. Phần hạ tầng còn lại của trại hiện nay nằm sâu dưới nhiều lớp băng và tuyết.

Greenland có vị trí địa chiến lược quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú – bao gồm đất hiếm, dầu mỏ và khí đốt – điều này làm tăng đáng kể giá trị kinh tế và quân sự của hòn đảo. Tổng thống Trump, người luôn ưu tiên các thỏa thuận tài nguyên toàn cầu, từng theo đuổi một thương vụ đất hiếm ở Ukraine, và Greenland rõ ràng nằm trong tầm ngắm của ông với logic tương tự.

Ngoài ra, Căn cứ Không gian Pituffik trên đảo đang đóng vai trò then chốt trong hệ thống phòng thủ tên lửa, giám sát không gian và các hoạt động ở Bắc Cực. Theo Chính quyền của Tổng thống Trump, việc kiểm soát Greenland sẽ giúp Mỹ bảo vệ các lợi ích chiến lược trước sự gia tăng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực, đồng thời củng cố vị thế của Mỹ và NATO trong khu vực.

Trong giai đoạn đỉnh cao của căng thẳng với Liên Xô, quân đội Mỹ đã thiết lập một căn cứ ngầm tại đây, với mục tiêu bố trí tới 600 tên lửa đạn đạo tầm trung phục vụ cho chiến lược răn đe hạt nhân. Ảnh: NASA

Trong giai đoạn đỉnh cao của căng thẳng với Liên Xô, quân đội Mỹ đã thiết lập một căn cứ ngầm tại đây, với mục tiêu bố trí tới 600 tên lửa đạn đạo tầm trung phục vụ cho chiến lược răn đe hạt nhân. Ảnh: NASA

Thông tin liên quan đến Trại Century và tiềm năng hạt nhân của căn cứ này – đặc biệt trong khuôn khổ Dự án Iceworm – từng được giữ tuyệt mật cho đến năm 1997. Cho đến nay, Tổng thống Trump chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc có thể sử dụng Greenland làm địa điểm triển khai vũ khí hạt nhân nếu Mỹ giành quyền kiểm soát hòn đảo này.

Quang cảnh thị trấn Nuuk, Greenland. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh thị trấn Nuuk, Greenland. Ảnh: THX/TTXVN

Mặc dù ông Trump không đề cập trực tiếp đến khả năng khởi động lại Dự án Iceworm, nhưng sự quan tâm trở lại đối với Greenland – đặc biệt sau khám phá mới về Trại Century – đang làm dấy lên những câu hỏi về chiến lược an ninh dài hạn của Mỹ đối với khu vực này.

Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/phat-hien-kinh-ngac-duoi-lop-bang-greenland-thuc-day-tham-vong-chien-luoc-cua-my-20250516113531684.htm