Phát hiện lâu đài dòng dõi quý tộc bên dưới một khách sạn ở Pháp
Các nhà khảo cổ đã phát hiện tàn tích của một lâu đài thời Trung cổ từ thế kỷ 14, trong đó có một con hào, ẩn dưới sân của một khách sạn lịch sử ở Pháp. Đồ trang sức, nồi, chảo và ổ khóa trong số những hiện vật được thu hồi cho thấy manh mối gia đình quý tộc đã sử dụng lâu đài này trong gần một thế kỷ.
Các nhà khảo cổ học tại Viện Nghiên cứu Khảo cổ Dự phòng Quốc gia Pháp (INRAP ) đã khai quật khu vực sân và hầm của Khách sạn Lagorce được xây dựng vào thế kỷ 18 trên tàn tích của một lâu đài thời Trung cổ tên là Château de l'Hermine.
Lâu đài nằm ở Vannes, một ngôi làng ở bờ biển phía tây của vùng Brittany, được xây dựng làm pháo đài và nơi ở cho John IV, Công tước xứ Brittany, vào năm 1381.
Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 16, Brittany là một quốc gia phong kiến thời trung cổ, được thành lập sau khi người Viking bị trục xuất khỏi khu vực. Về cơ bản là một quốc gia nhỏ bé, Công quốc Brittany được cai trị bởi một dòng dõi công tước cha truyền con nối. Khi John IV lên nắm quyền vào năm 1365, ông bắt đầu xây dựng nhiều pháo đài trên khắp Brittany, và Château de l'Hermine trở thành trụ sở của Công quốc.
Nhưng lâu đài chỉ được sử dụng trong một thế kỷ trước khi rơi vào tình trạng hư hỏng khi cháu trai của John IV, Francis II, chuyển thủ đô của công quốc ra khỏi Vannes.
Những lần cải tạo trong thế kỷ 18 đến thế kỷ 20 đã biến tòa nhà vào những thời điểm khác nhau thành khách sạn, sau đó là trường luật và cuối cùng là văn phòng chính phủ được xây dựng trên đỉnh lâu đài nguyên bản có từ thế kỷ 14.
Ý đồ chính xác về lâu đài của John IV vẫn chưa được biết cho đến khi các nhà khảo cổ bắt đầu khám phá nền móng của nó vào năm 2021, dự định sẽ biến tòa nhà lịch sử thành địa điểm mới của Bảo tàng Mỹ thuật .
Trong quá trình khai quật ở sân của khách sạn cũ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tầng trệt nơi ở của công tước, cùng với tàn tích của một tòa tháp nhìn ra hào nước bên ngoài. Lâu đài dài khoảng 42 m và rộng 7 m, với những bức tường dày tới 5,5 m.
Bên trong, có một số cầu thang, trong đó có một cầu thang nghi lễ, cùng với các khuôn cửa được chạm khắc và các khung cửa được trang trí. Theo INRAP, kế hoạch kiến trúc này đã kết hợp khéo léo các chức năng phòng thủ với chức năng dân cư.