Ngôi sao được đề cập có khối lượng gần bằng Mặt trời của chúng ta, nhưng vẫn chưa là gì so với lỗ đen đang "ăn" nó.
Nằm ở trung tâm thiên hà, lỗ đen "háu ăn" này có khối lượng gấp khoảng 10.000 đến 100.000 lần Mặt trời của chúng ta, thuộc loại lỗ đen có khối lượng trung gian khó nắm bắt .
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một ngôi sao có khối lượng tương đương với Mặt trời liên tục bị một lỗ đen khối lượng trung bình xé nhỏ và tiêu diệt”, tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Phil Evans, Trường Vật lý và Thiên văn học thuộc Đại học Leicester, cho biết.
"Bản thân thứ gọi là các sự kiện 'gián đoạn thủy triều một phần, lặp đi lặp lại' là một khám phá khá mới và dường như được chia thành hai loại: những sự kiện bùng phát cứ sau vài giờ và những sự kiện bùng phát hàng năm hoặc lâu hơn."
Sự kiện này được đặt tên là Swift J0230 vì nó được quan sát từ đài thiên văn Neil Gehrels Swift . Khi ngôi sao đi đến gần lỗ đen, một số vật chất của nó bị tách ra. Vật chất chuyển động xoắn ốc về phía lỗ đen, nơi lực hấp dẫn cực mạnh làm nóng nó lên tới hàng triệu độ.
Plasma nóng phát ra tia X được đài thiên văn Swift phát hiện. Lỗ đen này nằm cách Trái đất 500 triệu năm ánh sáng, phát sáng từ 7 đến 10 ngày trong "bữa ăn" trước khi mờ đi và chờ ngôi sao đi ngang qua lần nữa.
"Trong hầu hết các sự kiện mà chúng ta từng thấy trước đây, ngôi sao trong đó sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, Swift J0230 là một sự bổ sung thú vị cho thấy các ngôi sao bị 'ăn' gián đoạn."
"Điều này cho chúng ta thấy rằng những vật thể này thực sự có mối liên hệ với nhau", Tiến sĩ Rob Eyles-Ferris, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ thêm.
Công việc nghiên cứu có thể thực hiện được nhờ một thiết bị mới cho phép vệ tinh theo dõi lượng phát xạ tia X nhất thời xuất hiện ở những nơi trước đó không có tia X.
Các sự kiện như Switch J0230 rất hiếm hoi và không dễ tìm thấy trước khi có phương pháp này. Tiến sĩ Phil Evans cho biết sẽ còn nhiều bí ẩn hơn nữa đang chờ được khám phá.
Mời quý độc giả xem video: Sau thảm họa tàu Titan, giới siêu giàu e ngại du lịch vũ trụ?
Lê Trang (theo IFL Science)