Phát hiện loài mang lớn cực kỳ quý hiếm tại Vườn Quốc gia Vũ Quang
Hệ thống bẫy ảnh tự động được triển khai tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã thu về những hình ảnh và video vô cùng quý giá, ghi lại sự hiện diện của các loài động vật hoang dã nguy cấp, trong đó có loài mang lớn.
Ông Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết: Thông qua hệ thống bẫy ảnh tự động được bố trí tại các điểm trọng yếu nhằm giám sát đa dạng sinh học trong khu vực, Vườn đã ghi nhận được những hình ảnh và video hết sức giá trị. Các video độc đáo này đã ghi lại sự xuất hiện của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như: voi châu Á, gấu chó, nai, rái cá, gấu ngựa, mang thường và mang lớn.

Voi châu Á.

Loài mang lớn hiện được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp theo Sách đỏ IUCN.
Việc ghi nhận sự tồn tại của voi châu Á (tên khoa học là Elephas maximus), gấu ngựa (tên khoa học là Ursus thibetanus), gấu chó (tên khoa học là Helarctos malayanus), rái cá (bao gồm các loài thuộc họ Lutrinae), nai (tên khoa học là Rusa unicolor), mang lớn (tên khoa học là Muntiacus vuquangensis) và mang thường (tên khoa học là Muntiacus muntjak) tại Vườn Quốc gia Vũ Quang có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là những loài động vật hoang dã được xếp vào danh mục quý, hiếm, có giá trị bảo tồn cao tại Việt Nam và trên thế giới.

Loài gấu chó.
Theo đó, voi châu Á đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng; gấu chó, gấu ngựa được xếp vào nhóm sắp nguy cấp, trong khi rái cá cũng là những loài bị đe dọa do mất môi trường sống, ô nhiễm nguồn nước và săn bắt trái phép.
Đặc biệt, loài mang lớn hiện được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp theo Sách đỏ IUCN. Việc bẫy ảnh ghi nhận được mang lớn là một minh chứng cực kỳ quan trọng, khẳng định Vườn Quốc gia Vũ Quang là một trong những khu vực cuối cùng và quan trọng bậc nhất cho sự tồn tại của loài cực kỳ quý hiếm này.

Các cá thể rái cá được phát hiện tại Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Nai và mang thường cũng là những loài quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong hệ sinh thái rừng. Sự xuất hiện của các loài này thông qua phương pháp bẫy ảnh một lần nữa khẳng định giá trị đa dạng sinh học độc đáo và phong phú của Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Ông Nguyễn Danh Kỳ nhấn mạnh, trước những phát hiện quý giá này, Vườn sẽ nỗ lực thực hiện các phương án bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt hơn nữa. Các biện pháp này bao gồm tăng cường tuần tra kiểm soát chống săn bắt, buôn bán trái phép, bảo vệ và phục hồi sinh cảnh, cũng như đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu, giám sát để hiểu rõ hơn về quần thể và hành vi của các loài này. Việc bảo vệ thành công quần thể các loài quý hiếm như voi châu Á, gấu chó, nai, rái cá, mang thường, mang lớn không chỉ góp phần vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia mà còn khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Vườn Quốc gia Vũ Quang trong hệ thống các khu bảo tồn của Việt Nam và khu vực.
Video: Phát hiện nhiều loại động vật quý hiếm ở Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Vườn Quốc gia Vũ Quang được biết đến là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam với nhiều loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo tồn, nằm trong một vùng sinh thái có mức độ quan tâm toàn cầu, có vai trò cực kỳ quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh môi trường cho vùng trung Trường Sơn và cả khu vực ASEAN.
Với tính đa dạng sinh học, tháng 10/2019, tại Hội nghị các Vườn di sản ASEAN (AHP) lần 6 diễn ra tại thành phố Pakse, tỉnh Champasak (CHDCND Lào), Vườn Quốc gia Vũ Quang chính thức được AHP, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tuyên bố và trao danh hiệu “Vườn di sản ASEAN”; tháng 7/2022, được Bộ TN&MT trao giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021...