Phát hiện loài ong mới cho khoa học tại Vườn quốc gia Vũ Quang
Các nhà khoa học tại Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cùng các đồng nghiệp vừa phát hiện một loài ong mới cho khoa học tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh).
Loài Pasites vuquang Tran, Engel, and L.T.P. Nguyen, 2024 (vừa được phát hiện) thuộc giống Pasites, tộc Ammobatini, họ Apidae (họ ong mật). Loài này được đặt tên theo nơi phát hiện ra chúng (Vườn quốc gia Vũ Quang).
Phát hiện này nằm trong khuôn khổ đề tài VAST04.07/23-24 thuộc các hướng ưu tiên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Pasites Jurine là một trong những giống có phân bố rộng rãi nhất của tộc ong ký sinh Ammobatini (phân họ Nomadinae). Các loài Pasites xuất hiện từ vùng Cổ Bắc (Holarctic) đến mũi Hảo Vọng của Nam Phi, Madagascar, bắc châu Á đến nam châu Á.
Hiện tại có 21 loài đã được mô tả, phần lớn tìm thấy ở Malagasy và châu Phi. Một số loài được tìm thấy ở châu Á như Pasites castanomelaena từ miền bắc Ấn Độ, P. curiosa từ miền nam Iran, P. esakii từ Nhật Bản và đông bắc Trung Quốc. P. maculata phân bố từ Tây Ban Nha và Morocco đến bán đảo Triều Tiên.
Các loài Pasites thường đẻ trứng ký sinh vào thành tế bào ấu trùng vật chủ, phần lớn là các loài của phân họ Nomiinae, họ Halictidae.
Loài Pasites vuquang tương tự như P. maculata nhưng có thể phân biệt bằng lớp vỏ bóng với các chấm lõm dày đặc hơn. Ở con cái, các chấm lõm cách nhau tới một lần đường kính chấm lõm; ở con đực, các chấm lõm cách nhau nhỏ hơn nhiều so với đường kính chấm lõm). Con đực có thể được phân biệt thêm bằng đặc điểm thân của chúng. Ở P. vuquang, rìa đỉnh đốt bụng 8 có một vết rạch đặc biệt sâu và hẹp. Hình dạng của các dải lông trắng cũng có phần khác nhau giữa các mẫu vật được so sánh của hai loài P. vuquang và P. maculata. Các đốt lưng 2-5 của P. vuquang có các dải lông tơ bị ngắt quãng rộng rãi ở giữa.
Theo Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, việc phát hiện loài Pasites vuquang cũng ghi nhận sự xuất hiện lần đầu tiên của tộc Ammobatini và giống Pasites ở Việt Nam. Điều này, cho thấy tiềm năng đa dạng sinh học của Việt Nam còn chưa được khám phá đầy đủ. Với những khảo sát và nghiên cứu sâu sẽ mang lại những thông tin làm rõ thêm về sự đa dạng sinh học của Việt Nam.
Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang nằm ở phía tây bắc tỉnh Hà Tĩnh, cách TP.Hà Tĩnh 60km. Vườn nằm trên địa bàn hành chính của 3 huyện miền núi Hương Sơn, Vũ Quang và Hương Khê, có 60km giáp biên giới Việt - Lào.
Khu hệ động vật của VQG Vũ Quang có sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện.
Trong đó có 46 loài thú, 21 loài chim, 20 loài bò sát, 2 loài lưỡng cư và 1 loài cá xương nằm trong Danh lục IUCN (2017) và Sách đỏ Việt Nam và Nghị định 06 của Chính phủ cần được ưu tiên bảo tồn.
VQG Vũ Quang có giá trị sinh học lớn bởi đây là một trong những nơi cư trú cuối cùng của một số loài có ý nghĩa quan trọng cho công tác bảo tồn.
Tại đây có có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong số đó có những loài đặc trưng, quý hiếm như sao la (Pseudoryx nghetinhensis), mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), mang Trường Sơn (Megamuntiacus truongsonensis), thỏ vằn (Nesolagus timinski), cầy vằn bắc (Migalus owstoni), chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), vượn đen má trắng (Hylobates leucogenys), gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis), rắn lục sừng (Trimeresurus cornutus), ếch cây sần Bắc Bộ (Theloderma corticale)...