Phát hiện loạt cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại Hải Phòng
Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hải Phòng vừa phát hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh có dấu hiệu làm giả các nhãn hiệu.
Cụ thể, trong ngày 19/11, lực lượng QLTT Hải Phòng đã đồng loạt triển khai việc kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, hộ kinh doanh trên toàn thành phố.
Với 15 điểm kinh doanh được kiểm tra, lực lượng QLTT Hải Phòng đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm chủ yếu thuộc các lĩnh vực như thời trang, giày dép, balo, túi xách, mắt kính… gắn các thương hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như: Adidas, Nike, CK, Channel…
Số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lớn, trong ngày 20/11, các Đội QLTT tiếp tục làm việc để kiểm đếm, phân loại và liên hệ chủ thể quyền để xác định các dấu hiệu vi phạm, định giá hàng hóa vi phạm từ đó xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đại diện Cục QLTT Hải Phòng, trong những tháng cuối năm, đặc biệt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng QLTT thành phố sẽ đồng loạt triển khai nhiều chương trình kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm đảm bảo thị trường ổn định, an toàn phục vụ nhân dân đón Tết.
Cũng trong ngày 19/11, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng Cục QLTT đã có cuộc làm việc với Cục QLTT Hải Phòng, để ghi nhận thực thế triển khai Kế hoạch cũng như những khó khăn, vướng mắc đơn vị đang gặp phải để chương trình triển khai hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra.
Theo đại diện Cục QLTT Hải Phòng, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, dù không phải là địa phương nằm trong tâm dịch tuy nhiên môi trường kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng chịu ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt môi trường kinh doanh truyền thống bị thu hẹp, chuyển dần sang kinh doanh TMĐT. Đây cũng là lĩnh vực mới mà QLTT Hải Phòng đang nghiên cứu phương thức vi phạm, đấu tranh, xử lý theo quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hải Phòng cho biết: từ tháng 6-2021 đến nay, lực lượng QLTT đã tiến hành tuyên truyền, ký cam kết với 582/1.260 cở sở. Kiểm tra, giám sát, phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm.
Ông Hưng thẳng thắn chia sẻ, thực tế triển khai việc tuyên truyền hướng dẫn đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các chợ gặp nhiều khó khăn.
“Đa số các cá nhân kinh doanh này đều không nắm được các quy định, giấy tờ, hóa đơn chứng từ cần có của mình theo quy định pháp luật trong kinh doanh. Họ chỉ hiểu kinh doanh đã đóng thuế cho nhà nước và các khoản phí của Ban Quản lý chợ đầy đủ là kinh doanh hợp pháp.
Những điều này dẫn đến sự phản ứng thái quá đối với các tổ công tác tuyên truyền. Từ đó dẫn đến việc tổ chức ký cam kết chưa có hiệu quả cao, chưa đạt mục tiêu đề ra trong kế hoạch” - ông Hưng cho hay.