Phát hiện mảnh đạn trong ngực đại bàng đầu nâu

Kiểm tra tình trạng sức khỏe của cá thể chim đại bàng đầu nâu quý hiếm được người dân ở Bắc Giang bàn giao, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) đã phát hiện mảnh đạn ở ngực chú chim này.

Ngày 18/3, thông tin từ Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật cho biết: Sau khi tiếp nhận cá thể chim đại bàng đầu nâu quý hiếm, để đánh giá toàn diện, trung tâm đã đưa đi chụp chụp X-quang phát hiện mảnh đạn ở ngực. Hệ thống tiêu hóa của chim đại bàng cũng đang gặp vấn đề. Điều này ảnh hưởng tới sức khỏe của chim.

Chụp X-Quang phát hiện mảnh đạn trong ngực chim đại bàng đầu nâu

Chụp X-Quang phát hiện mảnh đạn trong ngực chim đại bàng đầu nâu

Chim đại bàng đầu nâu (Aquila heliaca), được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) đang chăm sóc là loại động vật rừng cực kỳ nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ. Đây là loài động vật rừng có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN.

Trước đó, một số người dân tại xã Mai Trung (Bắc Giang) đã di chuyển hàng trăm km nhanh chóng đến Vườn quốc gia Cúc Phương, tận tay chuyển giao cá thể đại bàng trên cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật sau khi bắt được tại vườn nhà.

Đại bàng đầu nâu quý hiếm được làm quen với môi trường mới

Đại bàng đầu nâu quý hiếm được làm quen với môi trường mới

Hiện Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật đang tiếp tục theo dõi sức khỏe, xem xét lên phương án tiến hành phẫu thuật để lấy mảnh đạn ra ngoài hoặc sử dụng khoa học để tự nhiên lâu dần nó tự liền và khối cơ bao bọc.

Tại Vườn quốc gia Cúc Phương, chú chim đại bàng được làm quen với môi trường, không buộc chân và đút thức ăn như trước. Những người chăm sóc khuyến khích ăn tự nhiên bằng chim cút, thịt thỏ... Khi sức khỏe chim đại bàng hồi phục sẽ trả về tự nhiên.

Được biết, trong năm 2023, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật đã tiếp nhận 144 đợt, với 599 cá thể của 48 loài động vật hoang dã. Bên cạnh đó, cho sinh sản 291 cá thể mới của 26 loài. Tái thả 28 đợt với 306 cá thể của 23 loài. Hiện nay, đang chăm sóc, cứu hộ hơn 2.900 cá thể của 74 loài động vật hoang dã bản địa của Việt Nam, và 5 loài có nguồn gốc phân bố từ nước ngoài.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/phat-hien-manh-dan-trong-nguc-dai-bang-dau-nau-421877.html