Phát hiện mỏ khí đốt lớn ở Síp có thể giúp châu Âu đối phó với khủng hoảng năng lượng
Tập đoàn dầu khí Eni của Italy và TotalEnergies của Pháp tuyên bố đã phát hiện mỏ khí tự nhiên mới ở ngoài khơi bờ biển phía nam Cộng hòa Síp.
Theo hãng tin AP, mỏ khí đốt mới có trữ lượng ước tính khoảng 70,7 tỷ m3 khí hydrocacbon. Giới chức châu Âu kỳ vọng mỏ khí này có thể đảm bảo nguồn cung năng lượng thay thế cho châu Âu, trong bối cảnh Nga cắt giảm lượng phân phối khí đốt cho châu Âu, khiến châu lục này đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.
Bộ Năng lượng Síp cho biết nguồn khí đốt mới được phát hiện tại giếng Cronos-1 cách bờ biển 160 km, trong vùng nước 2.287 mét bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Đây là mỏ khí thứ 2 mà Tập đoàn Eni-Total đã phát hiện ra ở đây.
Tập đoàn dầu khí Eni của Italy cho biết việc khám phá Cronos-1 có thể mở ra tiềm năng khí đốt mới cho khu vực và là thành công trong nỗ lực cung cấp thêm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Theo đó, phát hiện mỏ khí đốt Cronos-1 đã nâng số lượng mỏ tìm thấy ngoài khơi Síp lên 4 mỏ. Trong đó có 2 mỏ của Eni-Total, 1 mỏ của ExxonMobil và các đối tác Qatar Petroleum, 1 mỏ khác của Chevron cùng các đối tác Shell và NewMed Energy của Israel.
Bộ Năng lượng Síp cho biết tàu khoan Tungsten Explorer của Tập đoàn Eni-Total đã chuyển sang mục tiêu mới để đánh giá lượng khí đốt với độ chính xác cao hơn.
Chính phủ Síp cho biết việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã tạo động lực cho nước này tìm kiếm các nguồn nhiên liệu thay thế, đặc biệt là sau khi Liên minh châu Âu (EU) nhận định khí đốt tự nhiên có thể đóng vai trò là cầu nối nhiên liệu cho đến năm 2050, một phần trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của khối.
Bộ trưởng Năng lượng Natasa Pilides cho rằng nỗ lực loại bỏ khí đốt Nga của EU có khả năng đưa Síp trở thành quốc gia quy hoạch năng lượng của khối. Bà Pilides bình luận việc phát hiện mỏ khí đốt mới nằm ở khu vực gần nơi Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ) đang thăm dò cũng có thể mở ra cơ hội hợp tác với Tập đoàn Eni-Total.
Bà cũng nói thêm rằng kịch bản tốt nhất để đưa khí đốt đến các thị trường châu Âu vẫn là chuyển khí đốt qua một đường ống đến các nhà máy tinh chế của Ai Cập để hóa lỏng và sau đó dùng tàu để vận chuyển khí đốt.
Ông Kevin McLachlan, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách thăm dò của TotalEnergies, chia sẻ: “Giếng thăm dò thành công tại Cronos-1 là một minh chứng khác về tác động của chiến lược thăm dò của chúng tôi, tập trung vào khám phá các nguồn tài nguyên với chi phí kỹ thuật thấp và lượng khí thải carbon thấp. Nguồn cung cấp khí đốt bổ sung sẽ góp phần vào an ninh năng lượng của châu Âu”.
TotalEnergies và Eni bắt đầu thăm dò tại khu vực Cronos-1 ở ngoài Lô số 6 hồi tháng 5. Năm 2018, hai hãng này cũng từng báo cáo một phát hiện khí đốt đầy hứa hẹn tại Calypso-1, một giếng khác ở Lô số 6. TotalEnergies và Eni đang hợp tác thông qua các chi nhánh địa phương, bao gồm Eni Cyprus và TotalEnergies EP Cyprus BV, mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần.
Tuy nhiên, chương trình thăm dò ngoài khơi của Síp đang phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ bởi các tuyên bố chủ quyền về quyền tài phán kéo dài từ đất liền ra biển. Đảo Síp bị chia cắt sau cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1974.