Phát hiện mới, loài nấm có thể 'nói chuyện' với nhau

Các nhà khoa học Anh đã phát hiện nấm có thể 'nói chuyện' với nhau và nhận ra khoảng 50 từ.

Truyền thông quốc tế mới đây đưa tin, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh cho thấy, nấm có thể "nói chuyện" với các cá thể khác thông qua sợi nấm khiến ai cũng phải kinh ngạc.

Theo báo cáo của Guardian, các nhà khoa học Anh đã quan sát 4 loại nấm khác nhau, bao gồm Flammulina (Enoki), Schizophrenia (Chia Gill), Ghost Fungus (Nấm ma) và Cordyceps sinensis (Nấm sâu bướm), và nhận thấy rằng chúng có thể sử dụng sợi nấm truyền xung điện từ để thực hiện các cuộc trò chuyện giữa các cá thể.

Các nhà nghiên cứu hiện đã có thể xác định hơn 50 từ thông qua các cuộc trò chuyện của loài nấm.

Nhóm khoa học đã công bố báo cáo nghiên cứu trên số mới nhất của tạp chí Royal Society Open Science, trong đó chỉ ra rằng trong một số trường hợp đặc biệt, chúng sẽ giao tiếp với những cây nấm xung quanh.

Các nhà khoa học Anh chỉ ra rằng khả năng giao tiếp của nấm thực sự đáng kinh ngạc. (Ảnh minh họa).

Các nhà khoa học Anh chỉ ra rằng khả năng giao tiếp của nấm thực sự đáng kinh ngạc. (Ảnh minh họa).

Giáo sư Andrew Adamatzky, Đại học Tây Anh, người đứng đầu nghiên cứu tiết lộ rằng, các nhà nghiên cứu theo dõi, phân tích hoạt động của 4 loài nấm cho thấy xung điện chúng phát ra có cấu trúc giống với giọng nói của con người, vốn từ vựng lên tới hàng chục từ.

Đó là những xung động dọc theo các cấu trúc sợi nhỏ hay còn gọi là sợi nấm, tương tự như cách tế bào thần kinh người truyền tải thông tin lẫn nhau.

Để nghiên cứu, các nhà khoa học cài điện cực cực nhỏ vào bề mặt nơi các loại nấm phát hiện để phân tích sản lượng điện của từng loài.

Ví dụ với loại nấm ăn gỗ, khi nấm tiếp xúc với gỗ lạ, các xung động tăng lên cho thấy nó đang cố gắng đưa ra thông báo với các loài nấm khác, chia sẻ thông tin về thức ăn hoặc những tổn thương.

"Chúng tôi chưa chắc chắn liệu có mỗi liên hệ trực tiếp giữa những dạng thức xung động đó với ngôn ngữ của con người hay không nhưng có nhiều nét tương đồng về xử lý thông tin. Điều này khiến tôi rất tò mò", Adamatzky nói.

Giáo sư Adamatzky cho biết quy mô từ vựng của các loại nấm lên đến 50 từ, nhưng từ vựng cốt lõi sử dụng thường xuyên nhất không vượt quá 15 đến 20 từ. Độ dài trung bình của mỗi từ là 5,97 chữ cái, trong khi đó trung bình từ tiếng anh là 4,8 chữ cái. Theo các nhà nghiên cứu, điều này cho thấy nấm có trí óc và ý thức.

Mặc dù có ngôn ngữ riêng khi giao tiếp nhưng theo Adamatzky nấm vẫn còn lựa chọn khác đó là không nói gì.

Theo ông Adamtzky, nguyên nhân của những đợt sóng xung điện là duy trì sự gắn kết, hoặc để thông báo về việc phát hiện nguồn thu hút hoặc khó chịu đến các phần khác của sợi nấm. Hiện tại, các nhà khoa học đang muốn thu thập thêm bằng chứng trước khi thừa nhận đó là một dạng ngôn ngữ.

Trong một thời gian dài, các nhà phân loại học đã xếp nấm là thành viên của giới thực vật. Sự phân loại này chủ yếu được dựa trên sự tương đồng trong cách sống giữa nấm và thực vật: cả nấm và thực vật chủ yếu đều không di chuyển, hình thái và môi trường sống có nhiều điểm giống nhau (nhiều loài phát triển trên đất, một số loại nấm quả thể giống thực vật như rêu).

Thêm nữa, cả hai đều có thành tế bào, điều mà giới động vật không có. Tuy nhiên, hiện nay nấm lại được công nhận là một giới riêng biệt, khác biệt hẳn với thực vật hay động vật. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những sự giống và khác về đặc điểm hình thái, sinh hóa và di truyền giữa Nấm và các giới khác. Vì những lý do đó, nấm đã được đặt vào giới riêng của mình. Chúng thuộc giới thứ 5 (cuối cùng) trong tổng 5 giới sinh vật trên trái đất này, gồm giới khởi sinh, giới nguyên sinh, giới thực vật, giới động vật và cuối cùng là giới nấm (Mycota).

Quốc Tiệp (theo Tiền phong, Infonet)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phat-hien-moi-loai-nam-co-the-noi-chuyen-voi-nhau-giong-con-nguoi-a549248.html