Phát hiện mới về bí ẩn vòng tròn đá Stonehenge
Ở trung tâm vòng tròn đá Stonehenge (Anh) là một phiến đá sa thạch khổng lồ được gọi là Đá Bàn thờ. Nguồn gốc của khối đá là một trong những bí ẩn của khu di tích nổi tiếng này.
Một phân tích địa chất mới của các nhà khoa học Anh tiết lộ rằng người cổ đại đã phải vận chuyển khối đá nặng tới 6 tấn với hành trình dài hàng trăm km để tạo nên một phần của kỳ quan cổ đại của loài người.
Các nhà nghiên cứu cho biết dấu vết địa hóa của Đá Bàn thờ cho biết nó được tìm thấy ở phía Đông Bắc Scotland. Khối đá hình chữ nhật nặng có chiều dài gần 5m, chiều rộng 1m và dày nửa mét, đã được vận chuyển với quãng đường khoảng 700-750 km đến đồng bằng Salisbury của Anh.
Phát hiện này khiến các nhà nghiên cứu sửng sốt bởi việc vận chuyển có lẽ bằng cả đường bộ và đường biển với khoảng cách xa như vậy - cho thấy mức độ tổ chức xã hội chặt chẽ giữa các cộng đồng thời kỳ đồ đá mới ở Anh vào khoảng năm 4.600-2.500 năm trước Công nguyên, gần như cùng thời với các kim tự tháp vĩ đại của Ai Cập cổ đại.
Các nhà nghiên cứu cho biết những chiếc thuyền đơn giản vào thời đó có thể được sử dụng để vận chuyển phiến đá dọc theo bờ biển. Vòng tròn đá Stonehenge, được xây dựng qua nhiều giai đoạn trong khoảng 500 năm, bắt đầu từ khoảng 3000 năm trước Công nguyên, cho đến nay vẫn là một địa điểm hấp dẫn, thu hút một lượng lớn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.