Phát hiện mới về mối liên hệ giữa sốt và hiệu quả vaccine COVID-19

Các nhà nghiên cứu Đại học Okayama đã khám phá mối liên hệ giữa sốt và mức độ kháng thể sau mũi tiêm thứ 3 của vaccine mRNA COVID-19.

Vaccine mRNA COVID-19 là một loại vaccine sử dụng một đoạn nhỏ vật liệu di truyền của virus, được gọi là RNA thông tin (mRNA), để giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết và chống lại virus gây ra COVID-19.

Vaccine mRNA đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 và đã được các cơ quan quản lý trên toàn thế giới cho phép sử dụng.

Sốt là một tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua sau tiêm vaccine mRNA COVID-19.

Sốt là một tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua sau tiêm vaccine mRNA COVID-19.

Một số tác dụng phụ của vaccine mRNA COVID-19 như sốt và mệt mỏi, thường được coi là bình thường và thoáng qua. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các phản ứng bất lợi này và việc sản xuất kháng thể sau khi tiêm vaccine vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Okayama gần đây đã tiến hành một nghiên cứu để kiểm tra mối liên hệ này. Họ phát hiện ra rằng có mối quan hệ giữa sốt và số lượng kháng thể, đặc biệt là sau liều vaccine thứ 3. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học.

Vaccine mRNA bắt chước cấu trúc bề mặt của SARS-CoV-2 trong cơ thể. Sau đó, chúng được các tế bào miễn dịch công nhận là mầm bệnh xâm nhập, tạo ra kháng thể chống lại chúng. Do đó, số lượng kháng thể có thể được sử dụng để định lượng phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với việc tiêm phòng.

Trong nghiên cứu, các đối tượng đã được khảo sát về các phản ứng bất lợi 1 tuần sau khi họ nhận được liều vaccine mRNA thứ 3. Đồng thời, nồng độ kháng thể của tất cả các đối tượng được đo ngay trước khi tiêm vaccine, 3 ngày sau, 1 tuần sau và cuối cùng là 1 tháng sau.

Để giải thích các yếu tố góp phần gây sốt sau khi tiêm vaccine, nhóm nghiên cứu cũng xem xét giới tính, sự khác biệt về tuổi tác, tiền sử dị ứng và việc sử dụng thuốc hạ sốt giữa những người tham gia.

Các đối tượng sau đó được phân loại thành nhóm "sốt" hoặc "không sốt". Kết quả cho thấy rằng nhóm bị sốt thường trẻ hơn (20 đến 49 tuổi) và có tiền sử dị ứng. Tiếp theo, mức độ kháng thể tại các thời điểm khác nhau trong hai nhóm đã được phân tích, cụ thể: Vào thời điểm 1 tuần sau khi tiêm vaccine, nhóm bị sốt có số lượng kháng thể cao hơn đáng kể so với nhóm không bị sốt. Tuy nhiên, sau 1 tháng tiêm chủng dường như không có mối tương quan giữa tỷ lệ sốt và nồng độ kháng thể cao.

Đây là nghiên cứu đầu tiên nêu bật mối liên quan giữa việc sốt sau tiêm vaccine và mức độ kháng thể ở các thời điểm khác nhau, sau mũi tiêm thứ 3 của vaccine mRNA. Nhóm nghiên cứu kết luận: "Việc chuẩn độ kháng thể sau khi tiêm vaccine mRNA có thể nhanh hơn ở nhóm bị sốt sau khi tiêm vaccine, nhưng sự khác biệt có thể không đáng kể sau 1 tháng kể từ khi tiêm vaccine".

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Duy Đăng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-hien-moi-ve-moi-lien-he-giua-sot-va-hieu-qua-vaccine-covid-19-169230102160626795.htm