Phát hiện mới về mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron
Biến chủng phụ BA.2 của Omicron không chỉ lây lan nhanh hơn, nó còn có thể gây bệnh nặng hơn và chứa một số 'vũ khí' giúp chống lại vaccine.
Đây là kết quả nhóm chuyên gia tại Nhật Bản đưa ra sau thời gian nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Các tác giả tại Đại học Tokyo phát hiện BA.2 mang nhiều đặc tính khiến nó có thể gây bệnh nghiêm trọng hơn chủng Omicron gốc và cả Delta. Theo CNN, nghiên cứu được đăng tải trên bioRxiv ngày 17/2, đang chờ phản biện và xuất bản.
Khả năng lây lan và gây bệnh nặng hơn
Giống Omicron, chủng phụ BA.2 – hay còn được gọi là biến chủng tàng hình – chứa các đột biến có thể thoát khỏi khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra. Mũi tiêm nhắc lại có tác dụng ngăn ngừa 74% nguy cơ nhiễm bệnh có triệu chứng.
BA.2 cũng kháng lại một số phương pháp điều trị phổ biến như sotrovimab, kháng thể đơn dòng đang được sử dụng để chống lại Omicron.
Ở nghiên cứu của nhóm chuyên gia Nhật Bản, BA.2 có thể tự sao chép trong tế bào nhanh hơn BA.1 – phiên bản gốc. Khả năng kết dính tế bào với nhau cũng nhanh hơn, thuần thục hơn. Điều này cho phép virus tạo ra các khối tế bào lớn (hợp bào) hơn BA.1.
Điều đáng lo là những khối hợp bào sau này sẽ trở thành nhà máy sản xuất bản sao của virus. Delta đã từng cho thấy rất giỏi trong việc tạo ra hợp bào trong cơ thể vật chủ. Đây là nguyên nhân khiến virus tàn phá lá phổi người bệnh nhanh và nghiêm trọng.
Nhóm chuyên gia cho chuột đồng nhiễm BA.2 và BA.1, những con bị nhiễm BA.2 sẽ bị ốm nặng hơn, chức năng phổi cũng suy kiệt mạnh hơn. Trong khi đó, các mô, phổi chuột lang bị nhiễm BA.2 cũng bị tổn thương nhiều hơn nhóm nhiễm BA.1.
Tương tự chủng Omicron gốc, BA.2 có khả năng phá vỡ các kháng thể trong máu của người đã được tiêm vaccine Covid-19. Nó cũng có thể chống lại các kháng thể tự nhiên của người từng nhiễm một số biến chủng khác như Alpha, Delta… Đặc biệt, BA.2 gần như kháng hoàn toàn một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng.
Giữa những kết quả tiêu cực, nhóm nghiên cứu tại Nhật Bản cũng phát hiện điểm sáng duy nhất. Đó là các kháng thể trong máu của những người đã nhiễm Omicron chống lại được BA.2, đặc biệt nếu họ đã tiêm chủng, kháng thể bảo vệ càng mạnh hơn.
Theo nhà virus học Deborah Fuller, Đại học Y khoa Washington, Mỹ, người không tham gia nghiên cứu, điều này dẫn tới một kết luận rất quan trọng. Đó là BA.2 có vẻ dễ lây lan và gây bệnh nặng hơn Omicron, nhưng nó có thể không gây ra làn sóng lây nhiễm tàn khốc hơn.
Hệ miễn dịch của con người đang phát triển. Đây là chìa khóa giúp chúng ta có thể dần chế ngự virus này. Và biện pháp cần thiết lúc này, ngoài tiêm chủng vaccine Covid-19, vẫn là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
Hiện tượng trái ngược giữa các vùng dịch
Tiến sĩ Daniel Rhoads, Trưởng khoa Vi sinh, Cleveland Clinic, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận định: “Sau khi xem xét nghiên cứu, tôi cho rằng BA.2 có thể là chủng virus tồi tệ hơn BA.1 và có khả năng lan truyền nhanh hơn, gây bệnh nặng hơn”.
Cấu trúc trình tự gene của BA.2 có nhiều đột biến so với chủng nCoV ban đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “BA.2 là chủng về sau, khác với BA.1 ở số lượng đột biến, bao gồm cả số lượng đột biến trong gai protein".
Giáo sư Kei Sato, Đại học Tokyo, Nhật Bản, tác giả chính, nhấn mạnh các phát hiện của họ chứng minh chúng ta không nên coi BA.2 là chủng phụ của Omicron và nó cần được giám sát chặt chẽ hơn.
“Như bạn đã biết, BA.2 được gọi là Omicron tàng hình. Bởi nó thiếu một thay đổi di truyền cụ thể vốn cho phép các xét nghiệm PCR có những chỉ dấu ban đầu. Do đó, các phòng thí nghiệm phải thực hiện thêm một bước, giải trình tự virus để tìm ra biến chủng này” – GS Sato nói thêm.
Do đó, vị chuyên gia nhấn mạnh việc tiên quyết với các quốc gia hiện nay là xây dựng phương pháp giúp phát hiện BA.2.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra BA.2 dễ lây hơn Omicron 30-50%. Hiện tại, nó được phát hiện ở 74 quốc gia và 47 tiểu bang tại Mỹ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ước tính khoảng 4% người dân nước này nhiễm biến chủng tàng hình BA.2. Đặc biệt, đây là biến chủng phổ biến trong các ca bệnh mới ở ít nhất 10 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm Bangladesh, Brunei, Trung Quốc, Đan Mạch, Guam, Ấn Độ, Montenegro, Nepal, Pakistan và Philippines, theo báo cáo dịch tễ hàng tuần của Tổ chức Y tế Thế giới.
Ngoài thế giới thực, bằng chứng về mức độ nghiêm trọng của BA.2 có nhiều kết luận khác nhau. Tỷ lệ nhập viện ở nhiều nơi mà biến chủng này đang gia tăng như Nam Phi, Anh, lại có xu hướng giảm.
Trong khi đó, tại Đan Mạch, BA.2 là nguyên nhân hàng đầu gây lây nhiễm virus, số ca nhập viện, tử vong đang tăng cao. Dữ liệu ban đầu tại Đan Mạch cũng cho thấy BA.2 có khả năng lây nhiễm cao gấp 1,5 lần so với chủng BA.1, song, nó không nguy hiểm hơn.
Trước đó, theo báo cáo vào tháng 1 của Cơ quan An ninh và Y tế Anh, vaccine giúp ngăn ngừa 70% nguy cơ mắc Covid-19 có triệu chứng ở người nhiễm biến chủng phụ BA.2 của Omicron. Kết quả được đo lường sau 2 tuần tiêm liều thứ 3. Trong khi đó, với cùng thời gian, khả năng bảo vệ của vaccine trước biến chủng Omicron BA.1 là 63%. Sau 25 tuần tiêm liều vaccine thứ hai, khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ mắc Covid-19 có triệu chứng chỉ là 13% với BA.2 và 9% với BA.1.
Những số liệu này được đo lường ở những người được tiêm hai liều Pfizer, Moderna, AstraZeneca tại Anh.