Phát hiện mới về sự tuyệt chủng của voi ma mút và hổ răng kiếm

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Aarhus đã kết luận rằng hoạt động săn bắn của con người, chứ không phải biến đổi khí hậu, mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài động vật có vú lớn trong 50.000 năm qua.

Voi ma mút và hổ răng kiếm đã tuyệt chủng thời gian gần đây

Voi ma mút và hổ răng kiếm đã tuyệt chủng thời gian gần đây

Cuộc tranh luận đã nổ ra trong nhiều thập niên: Con người hay biến đổi khí hậu đã dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài động vật có vú, chim và bò sát lớn đã biến mất khỏi Trái đất trong 50.000 năm qua?

Khi nói động vật lớn ở đây đề cập đến loài trưởng thành nặng ít nhất 45 kg. Ít nhất 161 loài động vật có vú đã bị tuyệt chủng trong thời kỳ này. Con số này dựa trên dấu vết những bộ xương được tìm thấy cho đến nay.

Loài lớn nhất trong số chúng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đó là những động vật ăn cỏ sống trên cạn nặng hơn một tấn. 50 nghìn năm trước, có 57 loài động vật ăn cỏ. Ngày nay chỉ còn lại 11 loài và chúng cũng đã chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng quần thể.

Một nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Động lực sinh thái trong sinh quyển mới của Quỹ nghiên cứu quốc gia Đan Mạch (ECONOVO) tại Đại học Aarhus hiện kết luận rằng nhiều loài biến mất này đã bị con người săn lùng đến tuyệt chủng.

Nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau

Họ trình bày kết luận này trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học Cambridge Prisms: Extinction. Một bài viết đánh giá tổng hợp và phân tích nghiên cứu dựa trên việc xem xét hơn 300 bài báo ở nhiều lĩnh vực khoa học.

Trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu từ Đại học Aarhus đã kết hợp một số lĩnh vực nghiên cứu, gồm cả những nghiên cứu liên quan trực tiếp đến sự tuyệt chủng của một số loài động vật lớn, như: Thời điểm các loài tuyệt chủng; Sở thích ăn uống của động vật; Yêu cầu về khí hậu và môi trường sống; Ước tính di truyền của quy mô số lượng cá thể trong quá khứ; Bằng chứng săn bắn của con người.

Ngoài ra, họ còn bao gồm một loạt nghiên cứu từ các lĩnh vực khác cần thiết để hiểu hiện tượng này, chẳng hạn như: Lịch sử khí hậu trong 1-3 triệu năm qua; Lịch sử thảm thực vật trong 1-3 triệu năm qua; Sự tiến hóa và động thái của hệ động vật trong 66 triệu năm qua; Dữ liệu khảo cổ về sự mở rộng và lối sống của con người, gồm cả thói quen ẩm thực.

Biến đổi khí hậu đóng vai trò ít hơn

Những thay đổi khí hậu mạnh mẽ trong thời kỳ gian băng và băng hà gần đây nhất (được gọi là Pleistocene muộn, từ 130.000 đến 11.000 năm trước) chắc chắn đã ảnh hưởng đến quần thể và sự phân bố của cả động vật và thực vật lớn và nhỏ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sự tuyệt chủng đáng kể chỉ được quan sát thấy ở những loài động vật lớn, đặc biệt là những loài lớn nhất.

Một quan sát quan trọng là các kỷ băng hà kéo dài trước đó vài triệu năm đã không gây ra sự mất đi có chọn lọc của các loài động vật cỡ lớn. Đặc biệt vào đầu thời kỳ băng hà, điều kiện lạnh và khô mới đã gây ra sự tuyệt chủng quy mô lớn ở một số khu vực, chẳng hạn như cây cối ở châu Âu. Tuy nhiên, không có sự tuyệt chủng có chọn lọc của các loài động vật lớn thời gian này.

Sự mất mát lớn và có chọn lọc của một số loài động vật cỡ lớn trong 50.000 năm qua là duy nhất trong 66 triệu năm qua. Giáo sư Jens-Christian Svenning cho biết, các giai đoạn biến đổi khí hậu trước đây không dẫn đến sự tuyệt chủng có chọn lọc, quy mô lớn, điều này cho thấy vai trò của khí hậu trong sự tuyệt chủng của động vật cỡ lớn không quá quan trọng.

Thủ phạm là thợ săn

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những chiếc bẫy được thiết kế dành cho động vật cỡ siêu lớn. Đồng thời, các phân tích đồng vị của xương người cổ đại và dư lượng protein từ mũi giáo cho thấy họ đã săn bắt và ăn thịt những động vật có vú lớn nhất.

Jens-Christian Svenning cho biết thêm: “Con người thời kỳ này đã là thợ săn hiệu quả với ngay cả những loài động vật lớn nhất và rõ ràng có khả năng làm giảm quần thể các loài động vật lớn. Những loài động vật lớn này đã và đang đặc biệt dễ bị suy giảm quá mức vì chúng có thời gian mang thai dài, sinh ra rất ít con một lần và phải mất nhiều năm để đạt đến độ trưởng thành về giới tính”.

Phân tích cho thấy việc con người săn bắt các loài động vật lớn như voi ma mút, voi răng mấu và con lười khổng lồ là phổ biến và liên tục một thời kỳ trên toàn thế giới.

Nó cũng cho thấy loài này đã tuyệt chủng ở các thời điểm rất khác nhau và với tốc độ khác nhau trên khắp thế giới. Ở một số khu vực địa phương, quá trình này diễn ra khá nhanh, trong khi ở những nơi khác phải mất hơn 10.000 năm. Nhưng ở khắp mọi nơi, kiếp nạn xảy ra sau khi loài người có mặt.

Hậu quả và khuyến nghị

Nhiều loài đã tuyệt chủng ở tất cả các lục địa ngoại trừ Nam Cực và ở tất cả các loại hệ sinh thái, từ rừng nhiệt đới và thảo nguyên đến rừng và thảo nguyên Địa Trung Hải, từ ôn đới đến hệ sinh thái Bắc Cực.

Jens-Christian Svenning giải thích: “Nhiều loài đã tuyệt chủng có thể phát triển mạnh ở nhiều loại môi trường khác nhau. Do đó, sự tuyệt chủng của chúng không thể được giải thích là do biến đổi khí hậu gây ra sự biến mất của một loại hệ sinh thái cụ thể, chẳng hạn như thảo nguyên với voi ma mút. Thực tế thảo nguyên cũng chỉ có một số loài động vật cỡ lớn. Hầu hết các loài tồn tại trong điều kiện ôn đới đến nhiệt đới và thực sự đã được hưởng lợi từ sự nóng lên vào cuối kỷ băng hà gần đây”.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc mất đi động vật cỡ lớn đã gây ra những hậu quả sinh thái sâu sắc. Động vật lớn đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái bằng cách ảnh hưởng đến cấu trúc thực vật (ví dụ: sự cân bằng giữa rừng rậm và khu vực trống), phát tán hạt giống và chu trình dinh dưỡng. Sự biến mất của chúng đã dẫn đến những thay đổi đáng kể về cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái.

Jens-Christian Svenning cho biết: “Kết quả của chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của những nỗ lực bảo tồn và phục hồi tích cực. Bằng cách giới thiệu lại vai trò các loài động vật có vú lớn, chúng tôi có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng sinh thái và hỗ trợ đa dạng sinh học phát triển trong các hệ sinh thái giàu động vật cỡ lớn”.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/phat-hien-moi-ve-su-tuyet-chung-cua-voi-ma-mut-va-ho-rang-kiem-220920.html