Phát hiện ngôi chùa cổ bình yên có cây thị gần 400 năm tuổi linh thiêng gần Hà Nội

Chùa Cây Thị ở Hà Nam điểm đến tâm linh thu hút hàng triệu người dân và phật tử về tham quan, chiêm bái. Điểm nhấn của ngôi chùa chính là cây thị với niên đại gần 400 năm tuổi nằm ngay trong khuôn viên chùa.

Chùa Cây Thị được biết đến là đạo tràng Phật tử tu tập lớn tại Hà Nam. Trong đó, điểm nhấn của ngôi chùa là cây thị cổ có niên đại gần 400 năm tuổi.

Cây thị cổ vừa được Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng lấy mẫu giám định, xác định số tuổi chính xác. Cây thị cổ thụ có chiều cao hơn 10m với chu vi gốc cây khoảng 2,2m. Vào khoảng đầu tháng 5 âm lịch hàng năm là mùa mà cây thị trổ hoa nhiều nhất. Vào đầu tháng 7 âm là khoảng thời gian cây thị ra quả sai trĩu.

Cây thị cổ thụ nằm trong khuôn viên nhà chùa.

Cây thị cổ thụ nằm trong khuôn viên nhà chùa.

Đại Đức Thích Huệ Hạnh - trụ trì chùa Cây Thị cho biết: "Ngôi chùa có tên là Cây Thị vì cạnh ngôi chùa cổ là cây thị với niên đại hàng trăm năm, theo các cụ cao niên thì từ nhỏ đã thấy gốc thị to như hiện nay. Tên gọi xứ "Cây Thị" đã có từ cách đây tới 300 năm. Sách "Trương thế gia ký" ở từ đường Trương Công Giai, soạn năm Quý Sửu, niên hiệu Long Đức thứ 2 (năm 1733) đã từng nhắc tới địa danh này."

Quả thị vàng ươm trên cây thị cổ thụ.

Quả thị vàng ươm trên cây thị cổ thụ.

Đại Đức Thích Huệ Hạnh cho biết thêm, chùa được trùng tu vào năm Bảo Đại thập ngũ niên (1940), với 5 gian Chánh điện thờ Phật và 3 gian nhà thờ Tổ được làm bằng gỗ khang trang. Sau trận chiến chống càn tại núi chùa năm 1954, với bom đạn tàn phá của thực dân Pháp, chùa không còn gì, sau đó ít năm các cụ trong làng lên núi tìm lại những gì còn sót lại và phục dụng chỉ còn 3 gian thờ Phật.

Thầy Thích Huệ Hạnh cùng đoàn Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng lấy mẫu giám định cây thị cổ tại chùa.

Thầy Thích Huệ Hạnh cùng đoàn Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng lấy mẫu giám định cây thị cổ tại chùa.

Những năm gần đây, cây thị tại chùa ra quả rất nhiều như ẩn chứa một sự hòa mình hân hoan vui mừng, báo hiệu sự khởi sắc của ngôi cổ tự mang tên chính loài cây cổ thụ "Chùa Cây Thị".

"Cây thị cổ thụ được chăm sóc cẩn thận, chu đáo hằng ngày và không có sự tác động nhiều của bàn tay con người. Ngoại cảnh ngôi chùa có thể trùng tu để khung cảnh thêm đẹp, thêm lối để người dân, phật tử về đây tham quan. Tuy nhiên, đối với cây thị cổ thụ thì cần phải được bảo tồn và lưu giữ. Chính vì vậy, gốc cũng như thân và cành lá của cây thị được giữ nguyên và không trang trí như nhiều cây khác. Điều này chính là muốn phát huy, lĩnh hội những cái mới nhưng vẫn đảm bảo tôn trọng giá trị lịch sử và thiên nhiên của cây thị với niên đại hàng trăm năm." - Thầy Thích Huệ Hạnh nói.

Ngày nay, những giá trị lịch sử vẫn được bảo tồn và lưu giữ, trong đó điểm nhấn chính là cây thị cổ thụ với niên đại gần 400 năm. Như vậy, Cây Thị không chỉ mang một giá trị lịch sử mà còn ấn chứa một giá trị văn hóa tâm linh rất lớn.

Một số hình ảnh tại khuôn viên nhà chùa.

Một số hình ảnh tại khuôn viên nhà chùa.

Chùa Cây Thị nằm tại xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội khoảng 70km về phía Nam. Vừa qua, Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng đã có bước giám định, xác nhận cây thị cổ tại chùa Cây Thị ở Hà Nam tồn tại với niên đại 370 năm tuổi.

Bảo An

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/phat-hien-ngoi-chua-co-binh-yen-co-cay-thi-gan-400-nam-tuoi-linh-thieng-gan-ha-noi-172240904155352832.htm