Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thuốc giả ở TP.HCM
Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thuốc giả, trong đó có 1 cơ sở kinh doanh sữa giả trên địa bàn.
Ngày 7-5, Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo Bộ Y tế về việc giám sát, quản lý chất lượng thuốc và an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.
Xử phạt nhiều cơ sở bán thuốc giả
Theo đó, TP.HCM có 42 nhà máy sản xuất thuốc; 1.531 cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc; 8.454 cơ sở bán lẻ thuốc; 647 cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu.
Năm 2024, Sở Y tế kiểm tra 174 cơ sở kinh doanh thuốc và 344 cơ sở bán lẻ thuốc, 40 cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ dược liệu. Sở đã ban hành 151 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, xử lý 147 cơ sở với tổng số tiền xử phạt hơn 7 tỉ đồng.
Phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức cũng đã kiểm tra 6.750 cơ sở kinh doanh thuốc lẻ trên địa bàn. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm TP đã lấy mẫu kiểm tra chất lượng 413 mẫu thuốc tại 149 cơ sở, kết quả 15 mẫu không đạt chất lượng.

Một số loại thuốc tân dược giả và dụng cụ dùng để sản xuất thuốc giả bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh minh họa
Quá trình kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh dược, Sở Y tế đã phát hiện 6 cơ sở kinh doanh thuốc Cefuroxim 500mg giả và 2 cơ sở kinh doanh thuốc Cefixim 200mg giả.
Ngoài ra, qua phản ánh của người dân, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và phát hiện 1 nhà thuốc kinh doanh thuốc Neo-Codion giả. Ngay sau đó, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra các cơ sở liên quan và lập hồ sơ chuyển Công an TP để xử lý.
Trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024, Ban Chỉ đạo 398 TP đã kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm 820.982 hộp thuốc tân dược.
Theo Sở Y tế, ngay khi có thông tin từ truyền thông về tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh và sữa dành cho đối tượng đặc biệt như trẻ sơ sinh và người bệnh, Sở Y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh thuốc, sử dụng thuốc và sữa giả, đặc biệt tại các đơn vị trực thuộc, thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế.
Sở đã triển khai cho các đơn vị trên địa bàn thực hiện rà soát việc kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng. Qua tổng hợp báo cáo của các đơn vị, Sở Y tế ghi nhận các cơ sở khám bệnh chữa bệnh công lập, ngoài công lập và Trung tâm Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức không kinh doanh và sử dụng sữa giả trong khuôn viên cơ sở.
Phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức đã kiểm tra, khảo sát 4.641 nhà thuốc trên địa bàn (chiếm khoảng 60% tổng số nhà thuốc đang hoạt động). Bước đầu ghi nhận có 21/22 phòng y tế chưa phát hiện cơ sở kinh doanh sữa giả.
Riêng Phòng Y tế quận Bình Thạnh phát hiện 1 cơ sở có kinh doanh sữa giả nhưng công ty phân phối đã thu hồi sản phẩm.
Xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm hơn 1,9 tỉ đồng
Về quản lý an toàn thực phẩm, Sở Y tế cho biết TP hiện có 2.832 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 13.747 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 132 bếp ăn tập thể; 66 cơ sở chế biến suất ăn sẵn; 55 cơ sở bếp ăn trường học; 14.640 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; 3 chợ đầu mối và 229 chợ dân sinh; 52 trung tâm thương mại, 271 siêu thị; 3.200 cửa hàng tiện lợi.
Từ năm 2018-2023, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (nay là Sở An toàn thực phẩm TP) đã kiểm tra 851 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, ghi nhận và lập biên bản vi phạm hành chính 54 lượt cơ sở vi phạm.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã xử phạt vi phạm hành chính 53 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 1,9 tỉ đồng; chuyển hồ sơ cho Cục An toàn thực phẩm để tiếp tục xử lý 1 cơ sở.

TP.HCM phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thuốc giả. Ảnh minh họa
Năm 2024, Sở An toàn thực phẩm TP kiểm tra 296 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, chưa phát hiện trường hợp vi phạm.
Trong đó, Sở này đã phối hợp Sở Y tế kiểm tra 60 cơ sở bán lẻ thuốc như nhà thuốc, quầy thuốc, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền có kinh doanh thực phẩm chức năng. Kết quả các cơ sở cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, chưa phát hiện trường hợp vi phạm.
Trong quý I-2025, Sở An toàn thực phẩm kiểm tra 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, có 1 trường hợp vi phạm và đã bị xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng do vi phạm về hồ sơ công bố sản phẩm.
Sở Y tế cho biết thêm, cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính liên quan đến việc quảng cáo và kinh doanh trực tuyến. Khó khăn lớn nhất là xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm (công ty sở hữu sản phẩm, nhà phân phối, người sở hữu website, chủ tài khoản, cá nhân người thực hiện quảng cáo sản phẩm trong các video quảng cáo…).
Vì mạng xã hội có máy chủ đặt tại nước ngoài nên khó khăn trong yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với các tài khoản vi phạm. Khi được mời lên làm việc về quảng cáo sản phẩm, các cá nhân, tổ chức đã tháo gỡ sản phẩm, chặn truy cập trang thông tin điện tử trước khi lên làm việc hoặc không hợp tác, không lên làm việc theo giấy mời.
Ngoài ra, cơ quan quản lý chưa có đủ phương tiện, công cụ để lưu trữ chứng cứ trong việc thực hiện xử lý quảng cáo thực phẩm trên truyền hình, truyền thanh.
Tăng cường quản lý quảng cáo online
Sở Y tế TP.HCM đề xuất tăng cường phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra quảng cáo trên internet, các trang thông tin điện tử. Từ đó kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, website.
Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ thông tin các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu, quản lý các trang thông tin điện tử, website; Hoàn thiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, trong đó có các vấn đề liên quan đến công tác quản lý thực phẩm chức năng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phat-hien-nhieu-co-so-kinh-doanh-thuoc-gia-o-tphcm-post848413.html